TÔI HỌC ĐƯỢC GÌ QUA MỘT BUỔI BIỂU DIỄN?

Chiều hôm qua tôi có buổi biểu diễn nho nhỏ tại nhà sách của một trường đại học nằm trong khu vực thành phố Seoul. Trước đó vài ngày, tôi khá stress. Vì có mấy khi biểu diễn nơi công cộng như thế này? Tuy nhiên, bỏ qua những sự áp lực đó, những giờ cuối cùng sát buổi biểu diễn tôi lại dường như chẳng cảm thấy gì.

– Em đang trong tình trạng như thế nào, NaNa? – Cô Kim hỏi tôi, khi cô vừa đánh chiếc xe hơi vào bãi đỗ xe.

– Em ổn. Thật ra là…em không cảm thấy gì cả…haha – Tôi trả lời nhẹ như hẫng và để lại một nụ cười.

Chúng tôi bước vào địa điểm biểu diễn, nơi đó khá giống một thư viện. Nó được gọi là nhà văn hoá của trường Hankuk. Vừa bước qua cánh cửa tôi đã nhìn thấy ngay cây đàn màu gỗ nâu được đặt cạnh quầy cà phê. Và cũng như bao pianist khác, tôi mong nhảy ngay lên đàn để chơi vài thứ gì đó.

Lòng hăm hở thúc giục bước chân tôi tiến đến cây đàn nhanh hơn. Cô Kim mở nắp hộp đàn ra từ tốn. Samick. Miệng tôi cười nhưng ruột gan thì đã bắt đầu cợn lên những đợt sóng lo âu. Samick không phải là một thương hiệu ưa thích của tôi. Đặc biệt nó còn tệ hơn nếu đã lâu không được lên dây.

3:25, thầy Sung thông báo với chúng tôi rằng chương trình sẽ được diễn ra trong 5 phút nữa. Sau khi dạo vài vòng hợp âm Jazz và một chút ứng tấu, tôi mơ hồ nhận ra show diễn hôm nay sẽ hơi có phần thử thách. Chưa bao giờ ngồi vào đàn Samick khiến tôi cảm thấy thoải mái thật sự.

Và nó bắt đầu, bản nhạc đầu tiên là Lake Louise. Những nốt nhạc đầu tiên vang lên, tôi thấy lòng mình yêu sao đường nét giai điệu xinh đẹp này. Trong một khoảnh khắc, tôi đã để trái tim mình trở nên yểu điệu và ướt át khi để cảm xúc tuôn chảy quá đà.

Đôi mắt tôi lim dim, những cơ mặt thả lỏng. Và lúc này, sự chủ quan trong việc buông trôi theo cảm xúc khiến tôi quên những gì mình phải làm chủ, tâm trí và nhận thức.

Bài học số 1: Âm nhạc dẫn dắt chứ không phải cảm xúc

Thay vì tập trung vào dòng chảy âm nhạc và sử dụng nó để trình bày bức tranh bên trong tác phẩm thì tôi lại để những cảm xúc riêng của bản thân lấn át âm nhạc.

Jesus Loves Me được diễn ngay sau đó với sắc thái vui vẻ và nhộn nhịp của phong cách ragtime. Đó không phải là bài trình diễn quá xuất sắc nhưng mong đợi, nhưng chí ít tôi đã có thể giữ bình tĩnh để hoàn thành đến ô nhịp cuối cùng.

Bản số ba vang lên là Salut D’amor của Edward Elgar. Một tác phẩm vô cùng đẹp, hoàn hảo và nổi tiếng. Nhưng với Samick, tôi không đoán được điều gì đang chờ đón mình phía trước. Khả năng dự báo phần trình diễn này trên cây đàn này dường như bằng 0. Và tôi bắt đầu lo lắng. Sự lo lắng khiến cho tâm trí tôi suy nghĩ quá mức vào những vấn đề. Và khi những vấn đề càng bị đào sâu bao nhiêu, những vấn đề càng trở nên trầm trọng bấy nhiêu.

Tay phải tôi đã chơi đúng sắc thái chưa? Câu nhạc đó đã đủ legato chưa? Hợp âm đó có chính xác không? Tôi có đang dậm pedal sai không? Người đàn ông bên kia đang nhìn gì đấy? Họ có nghe tôi chơi lệch nốt nào không? #*Q$&^#%$Q* Rồi mọi thứ shut down và đen nghịt như màn hình của chiếc laptop.

Tôi đứng ở giữa khoảng không và không biết nên tiếp tục làm gì.

Bài học số 2: Tập luyện cho tâm trí ổn định và đừng nghĩ gì khác ngoài việc lắng nghe âm nhạc.

Hoá ra thói quen tự đặt câu hỏi cho bản thân quá nhiều của một giáo viên lại dường như lại không phù hợp lắm với vị trí một pianist biểu diễn sống trên sân khấu của tôi ngày hôm qua. Giữ cho tinh thần và tâm thần ổn định trên sân khấu chắc có lẽ là một bài học thử thách nhất cho chính tôi.

Tiếp theo là Cascades của Scott Joplin. Một tác phẩm vô cùng yêu thích của tôi. Tôi chơi nó ở khắp nơi nhà, ở trường, ở công viên Dongdemun, nhưng chiều hôm qua khi đối diên với Cascades trên Samick, bản nhạc lại trở nên vô cùng lạ lẫm. Đặc biệt là hai phần cuối của tiểu phẩm.

Tôi đoán mình đã quá chủ quan khi tin tưởng 100% vào những gì trí nhớ cố gắng lưu giữ. Về cảm giác hay về trí nhớ cơ bắp. Những quãng nhảy hợp âm, những đoạn chạy dài liên tục…Cascades đã thực sự trở thành một con quái vật vập vồ muốn nuốt chửng tôi. Bản nhạc đã từng khiến tôi tự tin nhất, nay đã trở thành nỗi sợ hãi mà tôi không dám nhắc đến.

Bài học thứ 3: Đừng chủ quan vào trí nhớ và luôn để mắt đến sheet nhạc.

Bằng một cách nào đó khi nhìn vào tờ tổng phổ đang để trước mặt, tâm trí tôi trở nên thật bình an. Haha, từ ngày hôm qua, tôi không còn tin vào những gì mình nghĩ rằng mình sẽ ghi nhớ được nữa. Thật sự, trí nhớ tôi vẫn tốt chán. Nhưng ở thời điểm khi nó hoảng loạn, chẳng có gì đảm bảo nó sẽ không dẫn tôi vào chốn nguy hiểm.

Đến Turkish March Jazz. Dường như mọi thứ dần khá hơn khi tôi đã hiểu hiểu được một chút về quy luật của các phím đàn Samick. Ở một khía cạnh nào đó, những kỹ thuật để hoàn thiện được bản phối hiện đại này không quá khó. Tuy nhiên, cảm giác lạ lùng khi biểu diễn ở một nơi hoàn toàn lạ và trên một cây đàn lạ vẫn đeo bám tôi không dứt.

Bài học thứ 4: Tìm kiếm cảm giác thân quen.

Khi mọi thứ lạ lẫm đang xoay cuồng điên loạn xung quanh, bỗng dưng tôi cảm thấy mình phải tìm cho được một cảm giác gì đó thân thuộc trong bản nhạc. Tôi cần đặt mình vào cảm giác như khi mình đang chơi ở nhà, trong căn phòng, trên cây đàn Kurzwell. Và khi làm như thế, các cơ bắp trên cơ thể và khuôn mặt tôi thật thoải mái và dễ chịu.

Phân nửa phần trình diễn còn lại là các bản ứng tấu. Đây là một pha mạo hiểm vì thường các nghệ sỹ Piano chỉ mong muốn chơi được những tác phẩm hoàn hảo, ít có mấy ai muốn thách thức bản thân để chơi ứng tấu. Vì trong ứng tấu không bao giờ có được sự hoàn hảo.

Các vòng hợp âm bắt đầu vang lên đều đặn, tôi hướng sự tập trung của mình vào flow nhạc và tạo ra những giai điệu theo những cảm nhận của mình. Và càng tập trung vào âm nhạc bao nhiêu, tôi càng có thể tạo ra những giai điệu thú vị bấy nhiêu.

Một góc phòng biểu diễn chiều hôm qua…

Bài học thứ 5: Đừng nghĩ gì khác ngoài âm nhạc và bộc lộ chính mình qua âm nhạc.

Có một người đàn ông thay đổi chỗ ngồi và ông ấy bắt đầu chụp hình quay phim tôi từ phía bên phải. Tôi lại bắt đầu tâm trí mình lan man nghĩ đến ông ta và cả những người chung quanh. Có một điều khi còn đi học ở trường nhạc, cô giáo vẫn thường hay dặn chúng tôi: “Hãy xem khán giả như những củ khoai, cục đá”. Nhưng tôi nghĩ, cốt lõi của việc này không phải thế. Khán giả vẫn tồn tại và họ di chuyển chung quanh, làm sao người nghệ sỹ có thể nhìn họ như những cục đá biết di chuyển? Chỉ có một cách thôi, đó là nghệ sỹ phải học cách tập trung vào âm nhạc và chỉ có âm nhạc. Chuyện này lại hoàn toàn khác với việc dạy học, người giáo viên phải chú ý đến từng học sinh, thời gian giảng dạy, giáo án và tỉ tỉ những thứ linh tinh khác.

Kết:

Thật đặc biệt khi có cơ hội được đẩy bản thân vào những cơ hội đặc biệt như thế này. Với vị trí là một giáo viên Piano, tôi chắc chắn rằng, những bài học này sẽ phải được chia sẻ lại với các học sinh thế hệ nối tiếp sau mình, để họ tiếp tục sẽ trở thành những pianist, không chỉ chơi nhạc cho bản thân họ, mà còn chơi nhạc cho mọi người.

Có bài học nào bạn muốn chia sẻ với tôi khi biểu diễn ở một nơi công cộng? Rất mong được nghe những trải nghiệm của bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!