Khi bắt đầu các tiết dạy Piano cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi, một trong những nhiệm vụ đầu tiên và khó khăn nhất đó là giúp trẻ ghi nhớ số ngón tay trên hai bàn tay.
Vì thế, để kích thích cho quá trình ghi nhớ này được trở nên hiệu quả và sinh động hơn, mình đã sáng tác một đoạn nhạc ngắn với lời bài hát vô cùng dễ nhớ và nhịp điệu rất dễ thuộc.
Hơn thế, bài hát và hoạt động đi kèm còn giúp trẻ luyện tập vỗ phách đều, giữ phách đều dựa trên một trò chơi âm nhạc từ ý tưởng trò chơi của Dalcroze – Start and Stop.
—-
Độ tuổi/lớp phù hợp:
- 4 đến 6, 7 tuổi
- Lớp căn bản
Mục tiêu:
- Giúp trẻ ghi nhớ số ngón tay
- Giúp trẻ luyện tập cảm nhận phách đều/vỗ phách đều/giữ phách đều
Thực hiện:
B1: Đọc cho trẻ nghe các câu nhạc và thực hiện động tác như sau.
1, 2, 1, 2, 3, 4, 5 ngón tay => Xoè các ngón tay theo tiết tấu câu nhạc (có thể xoà cả 2 tay hoặc dùng tay trái chỉ vào tay phải, hoặc cho đầu các ngón tay của 2 bàn tay chạm vào nhau)
Bạn ơi, xoè tay ra, hãy vỗ theo cô nào => Nắm mở nắm mở bàn tay rồi vỗ hai tay vào nhau theo các phách mạnh.
Bốn ô nhịp tiếp theo => Vừa đọc lời chỉ dẫn vừa thực hiện vỗ các động tác theo phách đều cho trẻ thực hiện theo.
*Các động tác như vỗ tay, vỗ chân có thể được thay đổi như vỗ vai, vỗ chân, vỗ đầu, vỗ má…vv…cho tiết học được thêm sinh động.
B2: Đệm đàn và hát cho trẻ cùng làm theo, khi đến đoạn vỗ phách đều giáo viên ngưng đàn. Sau khi thực hiện xong một lượt, giáo viên viên có thể đệm hai ô nhịp và quay lại bài hát từ đầu.
——
Với một hoạt động rất đơn giản, bài hát 1, 2, 3, 4, 5 Ngón Tay có thể rất hiệu quả được sử dụng vào thời điểm đầu tiết học và cuối tiết học. Càng được hát nhiều và làm động tác nhiều bao nhiêu, trẻ sẽ càng ghi nhớ số ngón tay nhanh bấy nhiêu.
Chúc các thầy cô sẽ có những giờ dạy nhạc cụ thật sinh động và hiệu quả.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Trong tiếng Việt, nên là “Vỗ tay – Dậm chân” chứ không có “vỗ chân” nhen 🙂
dạ vâng, con cảm ơn cô!