#6 – ĐI, CHẠY, NHẢY CHÂN SÁO VÀ BƯỚC CHẬM

Seoul đã bắt đầu đi vào những ngày đầu thu và tôi vẫn tiếp tục công cuộc đến lớp của mình.  Việc học về eurythmics khiến thời gian tập luyện Piano của tôi dày đặc hơn và cũng phần nào đó chất lượng hơn.  

Những bài tập nghiêng về ứng tấu buộc tôi phải cân nhắc đến cả về kỹ thuật ngón lẫn bấm hợp âm của chính mình.  Làm thế nào để tạo ra những màu sắc âm thanh khác nhau?  Làm thế nào để thể hiện một hình ảnh cụ thể qua những nét vẽ của sự trừu tượng trong âm thanh?  Thế giới Piano quả thực ảo diệu.  Tôi đoán nếu một đứa trẻ được học chơi Piano đúng quy cách, chúng sẽ rất yêu nhạc cụ này.  Còn nếu ngược lại, những tiết học ấy có thể sẽ trở thành chuỗi ác mộng không hồi kết.  

Tuần qua tôi dành nhiều thời gian cho việc sáng tác các bản nhạc “chuyển động” của riêng mình, gồm có ĐI, CHẠY, NHẢY CHÂN SÁO và BƯỚC CHẬM.  Như một cách suy nghĩ rất bình thường, tôi đặt tay vào viết bài ĐI trước (chắc vì có lẽ đó là hoạt động được thực hiện đầu tiên nhất).  Nhưng trái với những gì tôi nghĩ, ĐI là một ngọn núi không dễ để vượt qua.  Sau khi thử tất cả các “tuyệt chiêu” cô Kim gợi ý và bắt đầu những nốt nhạc đầu tiên trên đàn, nhưng hơn 30 phút, tất cả những đều chỉ dẫn tôi đến ngõ cụt vô vọng. 

Không muốn để bản thân mình có những cảm giác tiêu cực trong việc này, tôi quyết định chuyển sang làm bài NHẢY CHÂN SÁO.   Tất nhiên, những ý tưởng âm nhạc tuôn ngay dưới các ngón tay tôi ào ạt không ngừng.   Tiếp theo là đến CHẠY cũng trở nên dễ dàng không kém.   Còn với ĐI, phải một vài ngày sau, tôi mới có thể hoàn thành xong.  BƯỚC CHẬM thì được viết trước ngày đi học khoảng 24 tiếng đồng hồ.  

Tuy nhiên, đến hơn một tuần sau, khi chơi lại những bản nhạc này, tôi nhận ra, ĐI lại trở thành bản nhạc mình thích thú và ưa thích nhất.  Ngược lại, NHẢY CHÂN SÁO và CHẠY lại có vẻ hơi rỗng tuyếch và hời hợt như một bài sáng tác đầu tay của một đứa trẻ 10 tuổi.  Vậy là, tôi đã học được một bài học, không phải điều gì đến dễ dàng cũng sẽ khiến mình thấy thật sự thoả mãn.  Chỉ khi người ta thật sự chú tâm và dành nhiều nỗ lực, cố gắng để xây dựng, thì thành quả mới xuất hiện mỹ mãn như một vì sao chiếu sáng đẹp mắt trên bầu trời.

Vậy là tôi chơi cô Kim nghe tất cả những ý tưởng của mình.  Bằng một cách nào đó, khi ngồi tại cây đàn Organ Yamaha và biểu diễn những gì mình đã viết, nhận lại kết quả của toàn bộ việc học Dalcroze trong hơn 3 tháng qua, tôi nhìn thấy kỹ thuật chơi Piano của mình đã cải thiện rõ rệt. Ví dụ như khi chơi bài CHẠY, hầu hết flow nhạc đều được thể hiện bằng tiết tấu cặp móc đơn, và để chơi được âm thanh của trường độ này được hiệu quả và liên tục, tạo ra một hình ảnh của “cái gì đó đang chạy”, tôi không thể chỉ sử dụng các ngón tay mà còn phải kết hợp cả một phần cẳng tay và cổ tay của mình.  Sự kết hợp này sẽ xảy ra thành công khi cơ thể được giải phóng thông qua những bài tập eurythmics, vì tiến trình như cách tôi cảm nhận đó là cơ thể cũng như tâm trí tiếp nhận những chuyển động âm nhạc vào bên trong và sau đó giải phóng chúng ra bên ngoài dưới các chuyển động của cơ thể tác động lên sự vật.  

Thật khó để diễn tả bằng văn chữ một cách hoàn hảo nhất những gì cá nhân tôi đã cảm nhận.  Vì thế, thay vì nói nhiều, tôi đã tập Piano nhiều hơn và ứng dụng những gì mình học ở lớp Dalcroze để kết quả hiện ra một cách rõ rệt. 

Cô Kim khen những ý tưởng âm nhạc của tôi và tỏ ý rằng tôi nên tập các bản nhạc này ở các giọng điệu khác nhau, đó sẽ là bài tập tuần tiếp theo.  

Tiếp theo, chúng tôi cùng thực hiện một bài tập về Dissociation kết hợp Interupted Canon về tiết tấu đen chấm đơn.  Bài tập được mô tả như là: Cô Kim sẽ chơi một ô nhịp có tiết tấu đen chấm đơn, tôi sẽ phải lặp lại với hai tay sẽ đánh nhịp 4/4 còn chân sẽ di chuyển theo nhóm tiết tấu có đen chấm đơn.  Khỏi nói cũng biết tôi gặp gian truân thế nào khi phải thực hiện cùng lúc hai chuyển động khác nhau.  Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình khó khăn đó, tôi nhận ra một số những điểm đặc biệt về bài tập này như sau: 

  • Phải tập giữ phách đều trước và để cho nó như là một phần tự nhiên của cơ thể 
  • Vỗ tay các tiết tấu trước khi bắt đầu thực hiện chuyển động 
  • Tập trung vào âm nhạc và chỉ tập tập trung vào âm nhạc 
  • Giữ cho tâm trí không căng thẳng

Một lần nữa tôi muốn mình có thể về nhà và tự tập luyện bài tập này.  Việc tự tập luyện tại nhà của một cá nhân là vô cùng quan trọng và sự ảnh hưởng của nó vào kết quả có thể lên đến 80 đến 90%.  Vì thế, nhiệm vụ của người giáo viên giảng dạy nhạc cụ đó chính là tạo ra động lực tập luyện cho những học sinh của họ.  Đó có thể là động lực bên ngoài bằng những phần thưởng từ nhỏ đến lớn, cho đến tạo cảm hứng cho nguồn động lực bên trong bằng chính niềm yêu thích được chơi đàn của học sinh.  Về cá nhân mình, trong thâm tâm, tôi biết rằng điều đầu tiên giữ cho việc luyện tập các bài tập eurhythmics đều đặn là vì thói quen của mình.  Tôi không thích đến lớp với bộ dạng của một kẻ không làm bài.  Đó có thể gọi là gì? Nội động lực hay ngoại động lực? Tôi không biết, về cơ bản, tôi cứ làm cho xong đã.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!