Tip #38: CON THẤY GÌ ?

Thường các bạn nhỏ học viên của tôi khi mới bắt đầu học Piano rất ngại bộc lộ cảm nhận của chúng về những bản nhạc chúng được học. Đa số chúng đều sẽ trả lời “con không biết”, “con không hiểu…”, “theo cô thì sao…?” khi tôi hỏi chúng “thấy” gì sau khi nghe một bản nhạc.

Vì thế, trong 3 đến 6 tháng đầu tiên khi làm việc với bọn trẻ, tôi đã chủ động hướng dẫn chúng trong việc bày tỏ những sự tưởng tượng của chúng thông qua âm nhạc từ rất sớm. Hầu hết các bạn có vẻ hơi ngại ngùng khi tập luyện thói quen cảm nhận, tưởng tượng và trình bày bằng chính ngôn ngữ của mình. Nhưng càng về sau, tôi nhận ra với những đứa trẻ khi được chú trọng hướng dẫn bước này, tư duy âm nhạc và thẩm mỹ nghệ thuật của chúng phát triển cực kỳ tốt.

Tất nhiên, để tập luyện thói quen và kỹ năng này, bọn trẻ không chỉ đơn giản là nhận được một câu hỏi duy nhất “Con thấy gì?”, giáo viên nắm vững các giai đoạn “brain storm” cho trẻ với thứ tự như sau:

  1. Lắng nghe: Cho trẻ ngồi yên tĩnh tại một nơi cách xa đàn (hoặc loa phát nhạc) khoảng 1/2 mét và thả lỏng cơ thể (có thể nhắm mắt nếu cần) để nghe tiểu phẩm trẻ sẽ chơi.
  2. Đặt câu hỏi và dẫn dắt: Giáo viên đặt các câu hỏi và dẫn dắt/gợi ý cho trẻ về “hình ảnh” hoặc “câu chuyện” được ẩn bên dưới âm nhạc. Các câu hỏi cần được đi theo mức độ từ đơn giản mang tính ngoại vi cho đến nội tại. Đặc biệt nên có chứa các “lựa chọn” cho trẻ dễ dàng trả lời. Ví dụ như các thứ tự câu hỏi như sau (lấy ví dụ bài Holiday in Paris, ABRSM Gr.4)

Khi nghe nhạc con cảm thấy gì? Cảm giác con thế nào? Buồn hay vui? Nhanh hay chậm? (Giáo viên chơi khoảng 1 câu nhạc đầu tiên của bài)

– Hơi nhanh và vui tươi ạ.

– Cái gì vui tươi nhỉ? Con vật nào đó…? Một người nào đó…? (Chơi các nốt giai điệu)

– Một cô gái trẻ ạ.

– Một cô gái trẻ đang cảm thấy vui, vì sao cô ấy có cảm xúc vui tươi thích thú như thế nhỉ? (Chơi câu 1 và 2 của bài)

– Vì cô ấy đi du lịch đến Paris ạ.

– Đến Paris đúng rồi. Thế Paris có cái gì làm cho cô ấy vui nhỉ? (Chơi các câu tiếp theo…)

– Vì thời tiết rất đẹp, không có mưa. Trời nắng trong xanh.

vv…vv…

Cứ như thế các câu hỏi sẽ ngày càng đi sâu vào việc giúp trẻ hiện thực hoá các tưởng tượng của trẻ thành một thứ hiện thực hữu hình thông qua âm nhạc tượng hình. Có đứa trẻ sẽ có những tưởng tượng rất gần với tiêu đề của tác giả đặt cho bản nhạc như hình bên dưới đây là Hansa và bức vẽ Cầu Vồng của con bé về bản Holiday in Paris.

Tuy nhiên, cũng có những đứa trẻ có thể tưởng tượng ra một câu chuyện hoàn toàn khác với tiêu đề, và hoàn toàn riêng theo cách nghĩ của chúng, như Floris trong video bên dưới đây có một câu chuyện khá thú vị khi thằng bé nghe bản Easy Winner của Scot Joplin.

3. Hiện thực hoá: Bước thứ ba chính là trẻ sẽ có thể vẽ hoặc viết ra những bức tranh/câu chuyện mà chúng nhìn thấy bên dưới bản nhạc. Đây có thể là một bước optional trong toàn bộ quá trình, nhưng thành của bước cuối cùng này lại đem đến những cảm giác rất thú vị và đặc biệt cho cả trẻ và giáo viên.

Kết:

Tưởng tượng đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết cho trẻ em trong quá trình học chơi nhạc cụ. Chúng sẽ cần chuẩn bị trong đầu những gì chúng sắp chơi, một hợp âm dày và chắc, một câu giai điệu lả lướt dịu dàng hoặc một nhóm tiết tấu nhảy múa tinh nghịch. Chính những sự tưởng tượng tốt sẽ đem trẻ đến gần hơn với kỹ thuật tạo ra âm thanh trên đàn Piano.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!