Thứ ba – 10.11.2020
Vài ngày gần đây tôi hơi nhận ra, dường như những gì mình dạy học trong thời gian qua thực sự không khoa học.
Thật khó để thành thật thừa nhận điều đó với bản thân, nhưng việc tập luyện ứng tấu với điệu thức toàn cung khiến tôi cảm thấy còn khó hơn nếu mình tìm một lý do để nghĩ ngược lại.
Tôi thấy rằng, các khái niệm về phím đàn và tên gọi của nốt nhạc thực sự là một cái gì đó khá vô nghĩa trong ứng tấu. Không biết những bậc thầy ứng tấu Piano trên thế giới như Cory Henry hay Jesus Molina đã cảm thấy như thế nào về 88 phím trắng và đen bên dưới ngón tay họ, nhưng tôi chắc chắn rằng, họ đã không đọc từng tên nốt nhạc hay nhìn vào từng phím đàn chỉ để đảm bảo rằng mình đã “chạy” được một câu ứng tấu hoàn hảo.
Khi bắt đầu tập luyện điệu thức toàn cung, tôi không diễn tả được sự lạ lùng của nó là như thế nào. Nỗi mơ hồ và mông lung của 7 nốt nhạc đó lan rộng ra căn phòng của tôi còn hơi cả những tác phẩm mơ mộng nhất của Debussy. Trọng lực về chủ âm biến mất hoàn toàn, hạ át lạc lối, át cũng đi chơi. Sau hơn 2 giờ ngồi tại đàn để chơi điệu thức toàn cung, tôi vẫn cảm giác mình chẳng biết gì về nó.
Thế rồi sang ngày thứ hai tập luyện, tôi nhận ra các ngón tay tôi có những bước đi rất lạ. Quan sát gần hơn, tôi phát hiện, 10 ngón tay của mình đã chủ động nhấn vào các phím đàn có trong điệu thức toàn cung một cách vô cùng tự động. Tôi thậm chí không hề nghĩ đến những gì mình chơi, chỉ có các ngón tay tôi là vẫn tiếp tục flow nhạc không hề sai một phím nào.
Có thể tâm trí tôi đủ tỉnh táo để nghĩ rằng, những gì bàn tay phải đang chơi không hề có trong kế hoạch định sẵn, tuy nhiên cái mà tâm trí không thể phủ nhận được đó chính là thính giác đã bắt đầu quen với vũ trụ toàn cung này, đến nỗi nó có thể tự đưa ra những tham số dự đoán các flow nhạc và kết hợp với trí não để đưa ngón tay của tôi đáp xuống phím đàn tại vị trí chính xác nhất.
Nếu giả thiết của tôi là đúng, ứng tấu thật sự là một tiến trình vô cùng phức tạp diễn ra từ cả bên trong ra đến bên ngoài của người nghệ sỹ. Tuy nhiên, để tạo một bức tranh toàn cảnh cho toàn bộ tiến trình này thật sự hoạt động liền lạc và trơn tru, người nghệ sỹ phải kiên trì tập luyện ứng tấu bằng cả tâm trí, đôi tay và đôi tai của mình. Chỉ có như thế, họ mới nghe được và cảm được những âm thanh lạ lùng nhất và kỳ dị nhất, như tôi đã nghe được 7 âm của điệu thức toàn cung.
Như vậy, thay vì chỉ chăm chăm dạy cho học sinh về tên 7 nốt nhạc trên 5 dòng kẻ, quan trọng hơn cả đó là giáo viên tạo điều kiện và môi trường cho học sinh có thể nghe được và cảm được sự liên hệ của 7 nốt nhạc này cũng như cảm giác vị trí âm thanh trên các phím đàn.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.