Chúa Nhật, 16.11.2020
Gần đây tôi không còn tường thuật lại những buổi học của mình với cô Kim trên các trang nhật ký nữa. Thời gian qua, tôi dành nhiều chữ hơn để viết về những trải nghiệm của mình trong việc tập luyện các bài tập của khoá học. Các trải nghiệm cá nhân này, chắn chắn sẽ giúp ích cho nhiều người hơn là những bài văn dài dòng kể lại việc tôi đã được học những gì.
Thứ năm vừa rồi, cô Kim lần đầu tiên giới thiệu về Complementary Rhythm (Tạm dịch: Tiết tấu bổ sung). Nếu như nói cách đơn giản, Complementary có thể được hiểu là những tiết tấu được bổ sung vào những trường độ nốt kéo dài của một câu nhạc. Đó có thể là nhóm tiết tấu các nốt trắng, nốt đen hoặc nốt móc đơn.
Khi một câu nhạc được chơi lên với các motif có chứa những trường độ nốt kéo dài, và lúc này Tiết Tấu Bổ Sung xuất hiện chen vào các âm thanh đó.
Chân thành mà nói, tôi thích những bài tập mà mình có thể được đứng ra khỏi chỗ cây đàn Piano để nhảy múa và làm “thứ gì đó” khác hơn là ngồi dính vào chiếc đàn ghế đàn quá lâu. Vì thế mà tôi rất thích bài tập về Complementary Rhythm này. Phải, tôi cuối cùng thì cũng đã có thể nhảy múa với hai chân sau nhiều giờ tập luyện ứng tấu ròng rã suốt hơn một tháng qua.
Khi cô Yim bắt đầu nói về chủ đề này tại lớp học, tôi đã thấy rất thích thú. Sự thích thú lan toả trên đôi bàn chân, râm ran khắp lồng ngực và thật khó để tôi có thể kiềm chế bản thân mình không luyện tập ngay lập tức khi vừa đi học về.
Bài tập ngày hôm ấy là tự thu âm một đoạn nhạc của mình ứng tấu và chuyển động cơ thể cùng với đoạn nhạc đó. Bàn chân sẽ di chuyển tiết tấu chính của câu nhạc và bàn tay sẽ vỗ vào những tiết tấu bổ sung dưới hình thức là nốt móc đơn.
Đầu tiên, tôi tự viết ra một đoạn tiết tấu dài khoảng 8 ô nhạc trên tấm kính của ô cửa sổ. Đối diện chỗ ngồi tập đàn trong phòng tôi là một ô cửa sổ ngang gần hai mét và dài hơn cả mét. Tôi viết rất nhiều thứ trên đó. Các bài tập cho học viên, các nhiệm vụ phải thực hiện trong một buổi tập đàn trong ngày, sườn giáo án của tiết dạy, lịch làm việc, và chiều hôm ấy là một đoạn tiết tấu.
Mười lăm phút tiếp theo, tôi bắt đầu ứng tấu và ứng dụng cả ly điệu (thứ đã tập luyện rất nhuần nhuyễn trong bốn tuần qua) vào trong phần ứng tấu của mình. Mỗi lần đặt tay xuống đàn là một thế giới mới lại mở ra. Tuy vậy, tôi lại ưu tiên những motif đơn giản và quen thuộc nhất mà mình vẫn thường hay làm.
Sau khi luyện tập vài lần, tôi thu âm đoạn nhạc với máy đánh nhịp. Có thể nói rằng, toàn bộ quá trình này: Thu âm – Nghe/Quan sát – Đánh giá là những gì tôi đã làm nhiều nhất trong thời gian qua. Thu âm xong, tôi nghe lại và bật nhạc lên cũng như chuẩn bị máy quay để thu hình lại chính mình thực hiện bài tập.
Lần thứ nhất, khi xem lại đoạn video, những chuyển động của tôi trông thật ngớ ngẩn.
Và tôi tự hỏi, vì sao mình lại di chuyển cơ thể một cách sượng ngắt như thế? Mất không đến một phút để trả lời, tôi nhận ra: Mình đã suy nghĩ quá nhiều, suy nghĩ quá mức thực sự huỷ hoại đến niềm hân hoan của tôi với âm nhạc.
Và như thế, tôi đã thực sự đánh mất niềm hạnh phúc giản đơn của mình.
Thay vì nghĩ trước khi thực hiện, tôi nghĩ ngay cả khi đang thực hiện. Tâm trí tôi chạy lăn quăn với hàng ngàn câu hỏi như: Chân mình nên bước ngắn hay dài, tay mình nên vỗ to hay nhỏ, vv…vv… Trong khi đó, điều quan trọng hơn cả của bài tập này là: Giải phóng cơ thể và cảm nhận nhịp điệu. That’s it.
Như thế, làm sao để thôi không nghĩ ngợi nữa? Hướng sự tập trung của mình vào âm nhạc và nghe những gì mình đang chơi, cảm nhận những gì mình đang làm theo cách tự nhiên nhất.
Lần thứ hai, tôi quyết định không nghĩ gì hơn nữa mà chỉ để toàn bộ cơ thể cảm nhận âm nhạc và nhịp điệu. Khi xem lại, cơ thể tôi chuyển động hoàn toàn tự nhiện và uyển chuyển. Vô cùng đẹp và vô cùng tự nhiên.
Nhưng để có được sự chuyển động này tự nhiên này, tôi nghĩ cần nhiều hơn nữa việc tập luyện. Tập luyện để cơ thể quen với những gì tự nhiên nhất nhưng cũng “đúng” nhất. Tập luyện để hướng sự chú ý đến âm nhạc. Tập luyện để được thăng hoa cùng với niềm hạnh phúc trong âm nhạc.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.