Dạy về cao độ trong lĩnh vực sư phạm Piano là một chủ đề hoàn toàn khác biệt so với dạy về hát xướng âm như trong giảng dạy âm nhạc phổ thông. Để giúp trẻ có thể vững vàng kỹ năng đọc nốt và chơi đàn, quy trình kết hợp 3 thao tác mắt nhìn – tay chơi – tai nghe nên được kết hợp cùng một lúc và thật nhuần nhuyễn. Trong đó, đầu tiên và quan trọng nhất là tai nghe.
Hướng cao độ có 3 khái niệm, gồm “đi lên” và “đi xuống” và “lặp lại”. Luyện tập cho trẻ nghe và nhận biết 3 hướng này là bước đầu tiên nhất trong quy trình dạy về đọc nhạc. Ở bước đầu tiên này, giáo viên có thể sử dụng các hoạt động khác nhau để củng cố cho học sinh tập luyện lắng nghe và nhận biết hướng cao độ, có một số cách như sau:
1. Vận động với thú nhồi bông
– Giáo viên chơi các đoạn giai điệu ở điệu thứ Đô Trưởng với hướng cao độ “đi lên”, “đi xuống” và “lặp lại”. Học sinh cầm gấu bông trên tay và di chuyển lên cao (đi lên) hoặc xuống thấp (đi xuống) hoặc ôm gấu bông xoay vòng tròn (lặp lại) tương ứng với những gì mình nghe được.
– Phiên bản giúp liên tưởng về vị trí phím đàn Piano: Cao độ đi lên, cầm gấu bông tay phải; Cao độ đi xuống, cầm gấu bông tay trái; Cao độ lặp lại, cầm gấu bông xoay vòng tròn.
2. Vận động với que ru-băng
– Tự làm một que ru băng bằng đũa gỗ và giấy ru-băng gói quà. Giáo viên chơi các câu giai điệu đi lên, đi xuống và đi ngang. Trẻ di chuyển que ru-băng tương tự như những gì mình được nghe. Có thể chuyển động cũng như với hoạt động thú nhồi bông.
– Sau đó, đổi ngược lại. Trẻ điều khiển que ru-băng và giáo viên chơi các câu giai điệu trên đàn.
3. Chú Ong tinh nghịch
– Học sinh chạm ngón 1 và ngón 3 của bàn tay phải vào nhau, tạo thành một con Ong tàng hình. Giáo viên chơi ngẫu hứng trên đàn Piano các câu giai điệu nửa cung đi lên và đi xuống, cũng như lặp lại. Học sinh lắng nghe âm nhạc và di chuyển lên, xuống cũng như vòng tròn khi nghe các câu giai điệu lặp lại.
4. Vẽ ra hình ảnh hướng cao độ
– Chuẩn bị một tờ giấy A4, học sinh nghe các câu giai điệu đi lên và đi xuống lần lượt vẽ trên tờ giấy bằng các màu khác nhau. Có thể sử dụng màu nước cho trẻ vẽ bằng ngón tay hoặc bút chì màu đều hiệu quả.
Tiếp Theo sau khi đã giúp trẻ tập luyện tai nghe nhận biết hướng đi lên, đi xuống và đi ngang. Giáo viên tiến hành bước giới thiệu về cảm giác của hướng cao độ trên phím đàn. Để thực hiện bước này, giáo viên có thể lựa chọn nhóm ba phím đen hoặc nhóm nốt Đồ Rê Mi đều hiệu quả như nhau.
Tiếp theo sau khi đã giúp trẻ tập luyện tai nghe nhận biết hướng đi lên, đi xuống và đi ngang. Giáo viên tiến hành bước giới thiệu về cảm giác của hướng cao độ trên phím đàn. Để thực hiện bước này, giáo viên có thể lựa chọn nhóm ba phím đen hoặc nhóm nốt Đồ Rê Mi đều hiệu quả như nhau.
5. Chơi mẫu câu cao độ => thảo luận về hướng di chuyển
– Giáo viên chơi mẫu nhóm cao độ ĐÔ RÊ MI lần lượt đi lên, đi xuống và đi ngang cho trẻ nghe thật to và rỏ, sau đó hỏi trẻ về âm thanh trẻ nghe được là gì. Và đề nghị trẻ lặp lại bắt chước giống mình.
=> Ở lứa tuổi nhỏ, trẻ học chủ yếu qua sự bắt chước và lắng nghe. Vì thế cho trẻ trải nghiệm về âm thanh trước khi giới thiệu ký hiệu luôn luôn là cách tiếp cận hiệu quả.
6. Hát với cao độ kết hợp ngôn ngữ
– Khi chơi ĐÔ RÊ MÍ đi lên, giáo viên nên hát các từ ngữ thể hiện cao độ đi lên, ví dụ như: “Go-ing up” hoặc “Mình đi lên” với chính xác cao độ được chơi trên đàn. Tương tự như vậy với các mẫu câu đi xuống và lặp lại.
=> Khi sử dụng các từ ngữ, các khái niệm sẽ được truyền đạt đến trẻ nhanh hơn và hiệu quả hơn.
7. Đa dạng hoá hoạt động để luyện tập
– Sáng tạo các câu giai điệu đi lên, đi xuống và lặp lại thành một bài hát ngắn, nhỏ. Ví dụ: “How are you?” (ĐÔ RÊ MÍ đi lên), “I am fine” (MÍ RÊ ĐỒ đi xuống), “What’s your name?” (ĐỒ ĐỒ ĐỒ lặp lại), “My name is Ngân” (MI MI MI lặp lại).
– Tuỳ vào tình huống và mối hứng thú của trẻ mà giáo viên sáng tạo lời cho phù hợp. Nếu trẻ biết tiếng anh có thể dùng lời tiếng anh, nếu trẻ không biết tiếng anh thì nên dùng tiếng việt cho thân thiện gần gũi.
=> Các hoạt động phong phú nhưng xoay quanh chỉ một mục tiêu duy nhất giúp trẻ ghi nhớ đối tượng bài học được nhiều hơn và thực tế hơn.
8. Mô hình hoá hướng đi giai điệu và ứng dụng
– Sử dụng các ký hiệu để định nghĩa hướng đi khi viết ra trên giấy. Sử dụng các hình tròn với 3 màu khác nhau để giúp trẻ hiểu được mô hình di chuyển đi lên, đi xuống và đi ngang là như thế nào. Luyện tập cho trẻ nhìn các mô hình này với mắt và chơi trên đàn, kết hợp nghe bằng tai.
=> Giới thiệu về ký hiệu được thực hiện ở một trong những bước cuối cùng, đúng với nguyên lý giảng dạy âm nhạc: Âm thanh trước, ký hiệu sau.
9. Sáng tạo
– Trẻ viết giai điệu cho một bài thơ gồm 4 câu, mỗi câu ba chữ bằng cách vẽ các hình tròn đi lên đi xuống cho các câu giai điệu.
=> Bước sáng tạo giúp trẻ sử dụng những cái được học để tạo ra một sản phẩm mới của bản thân. Ứng dụng lý thuyết đi vào thực tế với việc học và chơi nhạc của mình, khiến cho việc học không còn xa vời và sách vở.
10 sẽ là gì? Mình nghĩ đó chính là bước trẻ sẽ có thể dạy lại/chỉ lại cho người khác về những gì trẻ học. Động lực để một đứa trẻ có nhu cầu nói về điều chúng biết có một yếu tố rất lớn tác động đó chính là khi chúng thực sự có hứng thú và quan tâm về điều đó. Bước số 10 này có thể là bước cho chúng ta thấy rõ nhất, giáo viên đã làm tốt như thế nào trong việc truyền đạt tình yêu âm nhạc của mình cho học sinh.
—————
Trên đây là những kinh nghiệm mình đã tích luỹ từ rất lâu trong quá trình giảng dạy Piano cho trẻ em và muốn chia sẻ với mọi người về chủ đề dạy đọc nốt. Hy vọng rằng, chúng mình sẽ làm thật tốt trong khả năng để mỗi tiết học Piano của bọn trẻ đều là những giờ học thật hiệu quả và vui banh nóc.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.