Dạy đọc nốt nhạc luôn là một chủ đề rất được quan tâm với các giáo viên âm nhạc. Đặc biệt ở lứa tuổi chuyển tiếp từ mầm non đến lớp 1, các bạn hiếu động và tâm lý lứa tuổi cũng khá đặc biệt. Vì thế, quá trình dạy đọc nốt nhạc cho trẻ em trong khoảng tuổi này cần được kết hợp nhiều phương pháp với nhau để tạo nên sự hiệu quả.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cách giới thiệu và ôn luyện cách đọc nốt bằng phương pháp kể chuyện.
Trước khi đi vào nội dung chính, hãy cùng xem qua các vấn đề giáo viên (đặc biệt là tôi) đã gặp phải khi dạy đọc nốt cho lứa tuổi này là những gì:
- Kiến thức không đồng nhất. Có trẻ đã từng được biết về nốt nhạc, có trẻ chưa biết (đa số). Nội dung bài học dễ gây nhàm chán hoặc khó hiểu cho cả 2 đối tượng trên.
- Lớp đông nên cần sử dụng phương pháp đại trà mà thật sự hiệu quả.
- Lớp sĩ số đông cần có cách thức tiếp cận sinh động và gây hứng thú cho trẻ nhiều hơn những lớp có sĩ số ít.
- Trẻ dễ mất tập trung và suy nghĩ mông lung trong giờ học.
Với những vấn đề như trên, phương pháp kể chuyện đã được lựa chọn vì những lý do như sau:
- Trẻ lứa tuổi này hứng thú bởi hình ảnh và màu sắc rõ ràng. Đặc biệt, các bạn nhỏ cần sự liên tưởng thực tế nên giáo viên không thể dạy nốt nhạc theo cách lý thuyết thường dùng.
- Độ tuổi này trẻ có sự quan tâm đến những câu chuyện cổ tích của thế giới thần kì, huyền bí.
- Nốt nhạc được hóa thân vào các nhân vật có hình ảnh, đặc điểm nhận diện rõ ràng. Không lẫn lộn, gây được sự hứng thú cho trẻ trong tiết học.
- Câu chuyện hấp dẫn sẽ kích thích trí tưởng tượng và sự liên tưởng của trẻ từ đó trẻ sẽ ghi nhớ nốt nhanh và lâu hơn.
Sau khi áp dụng cách tiếp cận bằng việc kể chuyện một thời gian, tôi đã nghiệm thu được những kết quả và phản ứng của trẻ khá khả quan như là:
- Tinh thần trẻ trong giờ học trở nên hứng thú hơn vì được nghe câu chuyện cổ tích với những nhân vật đặc biệt.
- Tăng cường việc ghi nhớ của trẻ, về các nhân vật, đặc điểm, hình dáng của nhân vật đó gắn với các nốt nhạc.
- Trẻ có thể liên tưởng nhân vật nốt nhạc trong câu chuyện giống ai trong lớp hoặc trong gia đình, việc này giúp trẻ nhớ nốt nhạc.
- Từ câu chuyện để dẫn dắt qua các trò chơi nhận biết nốt nhạc 1 cách thú vị và sinh động.
- Giáo viên có thể từ câu chuyện này mà thiết kế được nhiều hoạt động khác liên quan. Ví dụ như cho trẻ đóng vai nhân vật trong chuyện. Áp dụng vào bài tập đọc nhạc cho trẻ hóa thân thành các nốt nhạc…v…v (phù hợp với lớp có đông trẻ)
- —————————————————-
Câu chuyện tham khảo của cô Lưu Giang, giáo viên dạy âm nhạc tại trưởng WSSG, TP.HCM
CUỘC PHIÊU LƯU CỦA NỐT SOL
Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất thần tiên xa xôi, các Vương Quốc Khuông Nhạc chia nhau những mảnh đất phì nhiêu và màu mỡ.
Khóa Sol là một Cường quốc có rất nhiều cư dân sinh sống, mọi người ở đây hòa thuận với nhau, yêu thương nhau. Nốt Sol cũng có một căn nhà tuyệt đẹp trên vùng đất ấy, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Cậu ta thích phiêu lưu khắp mọi nơi, không ngại gian khó chỉ cần mỗi ngày bàn chân cậu được khám phá những vùng đất mới. Vương quốc Khóa Fa, KhóaĐô… cậu đều đi qua cả. Đã bao ngày chưa trở lại ngôi nhà thân yêu tại Vương Quốc Khóa Sol, cậu bắt đầu nhớ nó, một ngôi nhà nằm trên ngọn núi nhỏ, từ đó ban đêmcậu có thể nhìn thất bầu trời sao lấp lánh, ban ngày ánh sáng mặt trời chiếu xuống vàgió mát lồng lộng những đêm mùa hè. Nghĩ tới đây cậu thấy nhớ nhà da diết. Câuquyết tâm trở về nhà và cuộc hành trình của cậu lại bắt đầu.
Ô! Kia rồi! Cổng thành Vương Quốc Khóa Sol đây rồi! Cậu reo lên sung sướng và bắt đầu tiến tới. Người bạn đầu tiên Nốt Sol gặp là ai đây nhỉ? Để cậu nhớ xem nào! A! Cậu cất tiếng gọi từ xa.
– Đồ ơi!…. Đồ ơi!
Cụ ông Nốt Đồ nghe như có ai đó gọi tên mình, nhìn loanh quanh chỗ ông cụ đứng.
– Ủa! Ai vậy! Tôi có thấy ai đâu chứ.
– Tôi đây, nốt Sol đây nè. Long time no see!! Nốt Sol tay bắt mặt mừng.
– Ôi lâu lắm rồi, cậu đã đi đâu chừng ấy năm?
– Tôi đã kinh qua rất nhiều Vương Quốc, để từ từ tôi sẽ kể cho cụ nghe, nhưng giờ tôi nhớ nhà mình quá, tôi phải về nhà trước đã,để cụ có muốn đi với tôi không?
– Ui cha! Nhà cậu tít trên kia làm sao lão leo theo được chớ. Thôi thôi lão chân yếu, tay run, năm nay râu dài quá trời dài rồi nè, khụ… khụ… không đi cùng cậu được đâu à nha.
– À! Vậy phải chào tạm biệt cụ ở đây thôi, tôi phải tìm đường về nhà thôi.
Tạm biệt nốt Đồ xong, nốt Sol tiếp tục lên đường. Người bạn thứ 2 trên đường về nhà của cậu chính là…
– Nốt Rê ơi, bạn làm gì trên đó vậy? Xuống đây xuống đây!
– Ố la la. Chào nốt Sol, bạn có thấy dòng kẻ số 1 đâu không nhỉ? Tôi đã tìm trên, dưới, trái qua phải rồi mà chẳng thấy đâu cả. Ôi lạ ghê ấy nhỉ?
Lục lại trí nhớ nốt Sol phải kìm nén trận mắc cười lắm vì sợ bạn mình buồn, chẳng là: “nốt Rê bị bệnh đãng trí, hay quên. Ha… ha… ha dòng kẻ số 1 ngay trên đầu bạn ý mà cứ đi tìm hoài”.
– Nốt Rê ơi, dòng kẻ số 1 trên đầu bạn kìa!
Nốt Rê ngửa cổ lên nhưng vì dòng kẻ số 1 dính ngay đầu rồi nên bạn ấy ngửa cổ lên thì dòng kẻ số 1 cũng không thể tự nhìn thấy được.
– Đâu đâu! Có thấy đâu nhỉ?
– Ha… ha… ha… Thôi mình phải tìm về nhà kẻo sắp trưa rồi, tạm biệt!
– Hẹn gặp lại nốt Sol nhé!
– “Nhưng mà dòng kẻ số 1 ở đâu ấy nhỉ?” Nốt Rê lại vẫn bài ca tự thầm thì với chính mình.
Nốt Sol tiếp tục lên đường, trời lúc này cũng đã gần trưa. Đi cả buổi sáng nên nốt Sol cũng thấy hơi hoa mắt đấy. Đi 1 đoạn đường nữa. Nốt Sol thầm nghĩ.
– “Kia là gì nhỉ? Cái bánh Hamburger sao lại biết nhảy múa tung tăng trên dòng kẻ số 1 nhỉ? Bánh… bánh… đói quá đi mất.”
Tiến lại gần: “Ha… ha… đúng là đói quá hoa cả mắt, bạn nốt Mi mà nãy giờ nhìn ra cái bánh Hamburger. Nốt Mi là bạn nhỏ rất nghịch ngợm, siêu quậy của Vương Quốc, bạn ấy thích leo trèo nhưng… lại mắc chứng bệnh sợ độ cao, bởi thế bạn ấy leo lên dòng kẻ số 1, nhưng nhìn xuống thấy sợ quá, rung mình chẳng dám xuống nữa. Và thế là mãi mãi bạn nốt Mi đứng trên dòng kẻ số 1. Ha… ha”
– Chào nốt Mi! Bạn khỏe không?
– Ô chào nốt Sol, lâu rồi mới gặp bạn. Mình khỏe lắm nè, bạn thấy không vẫn leo trèo tốt và vẫn sợ… èo èo… đô cao ấy mà.
– Hihi. Bạn vẫn như ngày nào, nốt Mi vui tính! Tạm biệt bạn nha, mình tìm lại ngôi nhà của mình đây!
– Tạm biệt!
Nốt Sol bước đi trong lòng lại khoan khoái trở lại vì cảm giác sắp về tới ngôi nhà thân yêu của mình. ;Đây rồi, người bạn ở gần nhà mình kia rồi, bao nhiêu năm bạn ấy không hề thay đổi nhỉ? Vẫn mập mập, tròn tròn và vẫn mắc kẹt giữa dòng kẻ số 1 và dòng kẻ số 2.;
– Chào nốt Fa nhé! Mình đã nhận ra bạn khi còn ở xa.
– Ủa nốt Sol về rồi ư? Hihi. Chắc tại mình ăn nhiều Hamburger nên cân nặng vẫn chưa giảm được chút nào.
– Đúng rồi nè, đồ ăn nhanh dễ tăng cân lắm nha. Nốt Fa phải kiểm soát lại nha. Mình về đây!
– Cảm ơn bạn nha nốt Sol. Tạm biệt!
Hoàng hôn cũng vừa bắt kịp bước chân của nốt Sol, khi cậu đặt chân lên tới ngôi nhà của mình trên dòng kẻ số 2. Từ đây vào ban đêm nốt Sol có thể nhìn thấy những ngôi sao lấp lánh nhất trên bầu trời, làn gió man mát trong lành và cả những ánh đèn nhấp nháy của những ngôi nhà trong Vương Quốc Khóa Sol. Nốt Sol thấy mình hạnh phúc và mãn nguyện vì được gặp lại những người hàng xóm tốt bụng của mình.
Vương Quốc Khóa Sol luôn tràn ngập tiếng cười cùng với những giai điệu lảnh lót.
Bài viết của cô Lưu Giang, giáo viên âm nhạc trường WSSG,
Thành viên dự án Teach For Growth.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Tuyệt vời quá e ơi! Y như 1 câu chuyện cổ tích vậy. Cám ơn cô Giang và Ngân đã chia sẻ nhé