Nhật Ký 28: Điều Quan Trọng Hơn Hết

Dưới ánh đèn, tôi chăm chú quan sát khuôn mặt chị. Từ đâu đó giữa hiện thực và ảo ảnh xa xăm là một người tôi chưa bao giờ gặp. Thứ gì đó rất lạ dâng lên ở giữa khoảng không khiến tôi không thể rời mắt khỏi khuôn mặt ấy. Căn phòng chìm trong thinh lặng, những món đồ yên vị ở chỗ của nó và những ngón tay vẫn tiếp tục mải miết làm việc trên các phím đàn.


Khi bắt đầu học khoá Dalcroze, tôi làm việc rất nhiều với các bài tập ứng tấu. Khi số giờ tập luyện đã lên đến dãy số hàng chục, tôi mới ngộ ra, điều cốt lõi nhất để có một phần ứng tấu hoàn chỉnh đó là để lỗ tai mình dẫn dắt ngón tay mình. Khi người chơi ứng tấu biết thả lỏng và tập trung lắng nghe âm nhạc, cùng với sự chuyển động của các dòng chảy giai điệu đang bay bay chung quanh, họ sẽ bắt lấy chúng một cách rất tự nhiên và chơi chúng xuống những phím đàn. Tất cả những lý thuyết hay nguyên tắc, đều sẽ chỉ ở đó để giúp họ hiểu hơn những gì họ chơi ở góc độ khoa học, còn âm nhạc thực sự lại đến từ cảm nhận bên trong chúng ta.

Tôi bắt đầu nhận ra việc lắng nghe và tận hưởng âm nhạc là một quá trình xuyên suốt không thể bỏ lỡ của người học nhạc. Trước đây, những gì tôi từng theo đuổi là làm mọi cách để giúp học viên có thể đọc được bản nhạc. Chắc chắn điều này không có gì là sai, trở thành một người có thể đọc hiểu bản nhạc và thị tấu được là niềm mong ước của phần lớn những người học đàn. Tuy nhiên, phải thừa nhận là, có gì đó đã khiến tôi thấy không thoả mãn và phần nào đó lý do này đã khiến tôi muốn đến dạy học viên nữa.

Bản thân không thể lý giải được lý do vì sao, tôi chỉ có thể tạm gán cho cảm giác đó bằng một tính từ ngắn gọn, “chán”. Khi “chán” đã xuất hiện ở hầu hết trong các buổi học, bên trong tôi đã có một sự ngờ vực không hề nhỏ về khả năng giảng dạy của mình, tuy nhiên, sự nghi ngờ đó cũng chưa bao giờ có thể trả lời cho câu hỏi, điều gì đã khiến tôi “chán”.

Tiếp tục làm việc thêm nhiều năm sau và theo dõi quá trình học đàn của các học viên ở độ tuổi trưởng thành, tôi nhận thấy, khi họ càng chăm chú nhìn bản nhạc bao nhiêu họ càng khó khăn trong việc chơi đàn nhiều bấy nhiêu, đặc biệt với các giáo trình chi chít các nốt nhạc bé li ti như Methode Rose. Mặt khác, quá trình này còn diễn raphức tạp hơn khi giáo viên can thiệp quá nhiều vào giai đoạn vỡ bài và tập luyện của học viên mà không nhường cho các học viên của họ thời gian + không gian để cảm nhận âm nhạc.

Như trong bài nghiên cứu về Phương Pháp Giảng Dạy Piano Cho Trẻ Mầm Non và Cách Thức Phát Triển (Tựa tiếng Anh:Preschool Piano Methods and Deveplomentally Appropirate Practice) đã dẫn chứng một câu nói của nhà sư phạm Piano lỗi lạc trong thời đại của ông, Richard Chronister: “Music notation is something that remind us of what we already know.” (tạm dịch: Bản nhạc chỉ là thứ gì để đó hỗ trợ chúng ta nhớ lại những gì chúng ta đã biết từ trước). Theo Chronister, “đọc nhạc” chỉ là một công cụ để giúp người học chuyển đổi ký hiệu thành âm nhạc. Cuối cùng thì, âm nhạc vẫn là thứ cần được chú ý và tập trung nhiều nhất.

Trong nhiều năm liền, tôi gặp rất nhiều vấn đề trong việc giúp cho các học viên độ tuổi trưởng thành ráp hai tay. Đây là một chủ đề nan giải và rất được quan tâm trong cộng đồng các bạn trẻ tự học Piano cũng như giữa các giáo viên Piano. Tuy nhiên, việc có thể tập luyện để ráp được hai tay thành công, theo kinh nghiệm của tôi thì nó không chứa đựng quá nhiều bí thuật. Tất cả đều trong hai chữ “CẢM” và “NHỊP”.

Đầu tiên, khi học viên mới làm quen với giai điệu của một bản nhạc mới, tôi sẽ khuyến khích họ hát lên các câu nhạc bằng các âm như “la”, “ti”, “da”, “na”…khi hát, tôi luôn nhắc nhở học viên phải chú ý đến hơi thở giữa các câu và từng nét nhạc. Câu nhạc có hơi thở dài với nét nhạc kéo dài, hay câu ngắn hơn với hơi thở ngắn, nét nhạc ngắn. Đặc biệt là cảm nhận các phách mạnh trong câu và nhấn đúng chỗ. Sau khi học sinh đã thuộc các nuance giai điệu, họ được tập luyện để vỗ vào các phách mạnh với đôi mắt nhắm lại và trước mặt không hề có bản nhạc nào. Một vài lần sau đó khi thấy học sinh đã quen những chuyển động tự nhiên với các phách mạnh và có thể cảm nhận được giai điệu lưu loát thông qua giọng hát, tôi bắt đầu cho học sinh chơi phần đệm tay trái chỉ với phách mạnh. Cứ như vậy, tôi giới thiệu tiếp tục phần đệm tay trái với các phách mạnh vừa và cuối cùng là các phách yếu trong ô nhịp. Học viên được khuyến khích thuộc bài càng nhanh càng tốt, không nhìn xuống phím đàn, sử dụng đôi tai để lắng nghe và quyết định các ngón tay sẽ chơi nốt nào.

Quá trình trên tất nhiên không thể thiếu các bài tập vận động cơ thể. Đặc biệt với lứa tuổi nhỏ, các học viên cần được di chuyển nhiều hơn để sự ghi nhớ diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn. Phương pháp Dalcroze đã hỗ trợ tôi rất nhiều với các hoạt động phong phú, phù hợp từng nhóm tuổi khác nhau, góp phần đáng kể trong toàn bộ phương pháp giảng dạy Piano của tôi trong thời gian gần đây.

Trong hơn một năm qua từ lúc bắt đầu dạy Piano online, tôi nhận thấy Khi làm việc với học sinh thông qua màn hình laptop, quy trình giảng dạy cần có các bước thật sự khoa học. Với Duy, một chàng trai độ tuổi sinh viên và đang sinh sống ở Hàn Quốc, thời gian đầu khi mới học, Duy cũng giống như bao học viên khác, gặp khá nhiều thử thách trong việc ráp hai tay. Sau nhiều tuần quan sát, tôi khuyên Duy tập trung lắng nghe đường nét âm nhạc và hát lên. Cậu không được nhìn vào sheet nhạc mà phải ghi nhớ giai điệu và hát lại, chơi lại trên đàn. “Enjoy nào, bây giờ thì thả lỏng ra và tận hưởng âm nhạc nào…” – Tôi nói ân cần qua màn hình. Duy nhắm nhẹ đôi mắt, khuôn mặt cậu nghiêng qua một bên hơi mơ màng, giọng hát cậu phát ra mềm mại, đó là Duy mà tôi chưa bao giờ gặp trong đời. Những ngón tay, tôi không thể nhìn thấy chúng vì đã khuất camera, nhưng các dòng chảy thì rất rõ, âm thanh vang lên thật tình cảm và sâu sắc…Đó là giây phút không thể nào quên khi tôi ở bên đây màn hình, nhìn một người chơi Piano bằng trái tim cảm nhận và tận hưởng âm nhạc hoàn toàn của họ.

Nhật ký của một cô giáo dạy Piano

Seoul, 06.07.2021

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!