Tip 44: Những ký hiệu biết hát

Cuối năm luôn là thời điểm để giáo viên ôn tập lại các nội dung mình đã giảng dạy trong một năm vừa qua. Việc ôn tập này bao gồm cả phần thực hành và lý thuyết âm nhạc. Đối với lý thuyết âm nhạc, có rất nhiều cách để ôn lại các nội dung kiến thức cũ học sinh đã học. Có một số giáo viên thực hiện các trò chơi trả lời câu hỏi trên powerpoint, có một số sử dụng các bài tập trên giấy, vv…vv… hầu hết đều đem đến những hiệu quả nhất định.

Tháng 12 vừa rồi, khi tôi có dịp suy nghĩ về việc nên ôn tập như thế nào để giúp học sinh của mình có thể nhớ lại những nội dung về lý thuyết âm nhạc một cách hiệu quả, một câu hỏi đã bật ra từ trong đầu tôi: Làm sao để những kiến thức này thực sự kết nối với âm nhạc?

Lý Thuyết Âm Nhạc thường hay được hiểu là những hình ảnh ký hiệu được viết ra để quy ước một khái niệm nào đó trong âm nhạc. Điều này hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, chúng ta ít nhiều đều quên rằng ký hiệu đến sau âm thanh. Và âm thanh thì có trước ký hiệu. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc ôn tập cho học sinh thuộc lòng làu làu các ký hiệu nhưng lại bỏ lỡ sự kết nối những khái niệm đó với âm nhạc thì việc học lý thuyết âm nhạc có khi lại trở nên rất khô khan và vô nghĩa.

Với tư duy và mong muốn như vậy, tôi đã nghĩ ra một số trò chơi cho các buổi ôn tập online dành cho các bạn ở độ tuổi từ 7 tuổi trở lên. Những trò chơi này đều không quá phức tạp để chuẩn bị và cũng lại khá hiệu quả để thực hiện trong một tiết học khoảng 45 phút. Những ký hiệu âm nhạc được sử dụng trong lớp học của tôi có thể download ở đây. Các bước trong trò chơi này được chia đều thành các vòng như sau:

Vòng 1 :  Bạn còn nhớ tôi không?

Mục tiêu: Đây là vòng đơn giản nhất và là dịp để giáo viên (GV) và học sinh (HS) có thể gọi tên lại tất cả các ký hiệu âm nhạc một lần nữa trước khi thực hiện sang những thử thách khó hơn.

– HS được chuẩn bị sẵn 1 bộ các tấm thẻ cùng loại (GV chỉ nên chọn một loại cho mỗi lần ôn tập, VD:thẻ trường độ/thẻ ký hiệu dấu lặng/thẻ các ký hiệu trên khuôn nhạc…) và các tấm thẻ được bày ra trước mặt HS, phần hình giở lên trên.

– GV cầm bộ thẻ và xoay mặt hình hướng vào trong. GV nhìn tấm thẻ ở gần tay mình nhất và đọc to tên ký hiệu âm nhạc của tấm thẻ đó => HS nhanh chóng tìm tấm thẻ có ký hiệu đó và cầm lên tay.

– Tiếp tục thực hiện như vậy cho đến khi tất cả các tấm thẻ đều đã được HS cầm trên tay.

Vòng 2 : Đây là gì?

Mục tiêu: Giúp học sinh nhớ lại về công năng của ký hiệu này thông qua những khái niệm được diễn tả bằng ngôn ngữ.

– HS và GV đều cầm bộ thẻ trong tay với mặt hình hướng vào trong.

– Một trong hai sẽ bắt đầu trước với việc diễn tả công năng của ký hiệu âm nhạc có trên tấm thẻ gần với mình nhất. => Người còn lại sẽ tìm thật nhanh tấm thẻ đó và giơ lên trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

– Tiếp tục thực hiện lần lượt cho đến khi các tấm thẻ đều được mở.

Vòng 3: Nó vang lên như thế nào?

Mục tiêu: Giúp học sinh sáng tạo ra cách kết nối các khái niệm của một ký hiệu âm nhạc vào âm nhạc

– HS và GV đều cầm bộ thẻ trong tay với mặt hình hướng vào trong

– Một trong hai sẽ bắt đầu trước với việc hát/chơi trên đàn/vỗ, gõ tiết tấu/tạo ra âm thanh sao cho có thể diễn tả được hoàn thiện nhất ý nghĩa của ký hiệu có trên tấm thẻ. Người mô tả có thể làm nhiều hoạt động mang tính chất âm nhạc, nhưng không được nói => Người còn lại sẽ tìm thật nhanh tấm thẻ đó và giơ lên trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

* Đây cũng là phần thú vị nhất của trò chơi, tôi rất mong chờ được nhìn thấy học sinh của mình sẽ sáng tạo như thế nào để có thể diễn tả được những ký hiệu như Khoá Sol, Khoá Fa, Các Dấu Lặng, Các Ký Hiệu Cường Độ…

– Tiếp tục thực hiện lần lượt cho đến khi các tấm thẻ đều được mở.

Vòng 4: Nó ở đâu?

Mục tiêu: Giúp học sinh liên hệ được các ký hiệu âm nhạc đã học với các bản nhạc đã chơi

– HS và GV đặt bộ thẻ với phần hình úp xuống.

– Một trong hai sẽ chọn bất kỳ một tấm thẻ và gọi tên ký hiệu, sau đó sẽ giở ra một trang bất kỳ trong cuốn sách giáo trình đang học. Nếu như trong bản nhạc được mở ra có ký hiệu trùng với ký hiệu ở trên tấm thẻ, người chơi đó sẽ chơi bản nhạc và nhận được điểm cộng cho mình.

– Cứ tiếp tục thực hiện cho đến khi cả hai đều đã hết thẻ và hầu hết các bản nhạc đều được chơi lại.

Đây là 4 vòng chơi trong một trò chơi lớn tôi cùng với các học sinh online của mình đã chơi. Với một số học sinh lớn hơn và độ nhận thức cao hơn, tôi sẽ kết hợp các vòng với nhau để tạo thêm phần kịch tích và thú vị cho buổi ôn tập. Có thể nói, với các bước có độ khó tăng dần như vậy, các bạn học sinh có thể được gợi nhớ lại về tên gọi, hình ảnh, ký hiệu, công năng và kết hợp cả với việc ôn lại các bản nhạc cũ trong giáo trình đang học.

Hơn cả là các bạn học sinh của tôi có thể nắm được ý nghĩa của các ký hiệu âm nhạc và hiểu chúng ở khía cạnh âm nhạc chứ không chỉ là ký hiệu hình ảnh, điều mà tôi nghĩ là vô cùng quan trọng khi chúng ta giảng dạy về lý thuyết âm nhạc.

———

Một năm mới đã đến. Hôm nay tôi đã có ngày làm việc đầu năm mới đầy yên bình bên ly Hồng Trà và những giai điệu đẹp. Buổi chiều đang ngả mình xuống trên con phố nhộn nhịp và mọi người đều đeo khẩu trang bước đi rất nhanh. Ai nấy cũng bận rộn với những kế hoạch mới và những hoài bão mới. Chúc cho tất cả chúng ta đều sẽ luôn tràn đầy năng lượng và hạnh phúc trong mỗi tiết dạy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!