Nhật ký #29: Mỗi đứa trẻ một cách học

– Sophie biết đọc từ Đồ đến Đố Rế Mí cao cao trên đây luôn rồi đó…!

Con bé di ngón tay be bé xuống khuôn nhạc trên tờ giấy và khoe với tôi rằng nó có thể đọc được nhiều hơn những gì tôi đã dạy.

– Ồ thật à! Lát nữa Sophie đọc cho cô nghe nhé!

Tôi đáp ứng với giọng điệu háo hức vì điều đó thật thú vị. Ở lứa tuổi Sophie, nhiều đứa trẻ vẫn chưa cảm thấy thoải mái và khi “phải” học đọc nhạc.

Sophie thì khác, con bé muốn đọc nốt và thích đọc nốt. Mẹ Sophie kể với tôi rằng có một lần khách đến chơi nhà, con bé đã biểu diễn màn đọc nốt nhạc cho mọi người nghe các bản nhạc trong cuốn Thánh Ca.

Tôi tưởng tượng ra cảnh khách khứa sẽ há hốc mồm kinh ngạc vì những gì họ thấy ngay lúc đó. Nhưng về bản thân tôi, tôi hiểu rằng tất cả điều này xảy ra kỳ lạ như thế là bởi vì Sophie đã may mắn, tìm được một cách học phù hợp cho chính mình.

………………

Cách đây khoảng 4 tháng, Sophie và tôi cùng bắt đầu với những câu chuyện đầu tiên của giáo trình Tales of a Musical Journey. Cứ ngỡ các nhân vật trong Vương Quốc Âm Nhạc sẽ khiến con bé hứng thú, nhưng ngược lại, những gì tôi nhận được chỉ là một cái nhìn hờ hững không quan tâm. Tôi cố thử lại lần nữa, kể với giọng điệu sinh động hơn và đưa vào những hoạt động tương tác để Sophie cùng làm với mình, nhưng kết quả cũng vẫn như thế. Đó là một trong những điểm khác biệt đầu tiên trong các tiết học với Sophie – không có màn ngồi nghe kể chuyện.

Vậy nên, tôi dường như tay trắng đi về khi cuốn giáo trình ngay thời điểm đó không thể phát huy công lực như nó đã từng. Nhắn tin với mẹ Sophie nói rằng con bé chưa sẵn sàng để học cuốn sách này và rồi cả buổi sáng hôm đó tôi đã ngồi thừ trên xe bus để nghĩ rất lâu nên làm gì bây giờ khi công cụ trên tay mình đã trở nên vô dụng.

Vậy là tôi thấm thía vô cùng khi hiểu rằng, giáo trình là 10 nhưng phương pháp tốt là 1000. Mỗi đứa trẻ là một thế giới, làm sao có thể mong muốn chúng hành xử và đáp ứng như nhau? Cũng như vậy, không thể nào sử dụng cùng một phương pháp để dạy cho tất cả mọi đứa trẻ và đặt ra những tiêu chí giống nhau cho kết quả.

Từ đó, Tales đã tạm thời được đặt ở chỗ khác. Tôi quay lại nhà Sophie với một bài học được soạn riêng cho con bé và 3 cái chuông nhấn có cao độ C, D, E. Nội dung của buổi học hôm ấy là về hướng cao độ di chuyển đi lên, đi xuống và đi ngang. Chúng tôi chơi nhiều trò chơi về cao độ, chuyển động theo âm nhạc, ca hát và nhấn chuông, chơi đàn và sáng tác, tô màu, vẽ hình ảnh, làm bài tập….

Sophie bên một bài tập được thiết kế riêng cho bạn

Tuần tiếp theo, 2 cái chuông cao độ F và G được mang đến. Và một bài học khác được soạn riêng cho Sophie về cao độ của 5 cái chuông. Trong 40 phút chúng tôi cũng lại có một quy trình như thế, khám phá trải nghiệm, chuyển động, chơi với chuông, chơi đàn, tô màu…trong sâu thẳm tôi không biết sự chuyển hướng này có đi đến kết quả gì không. Nhưng thời gian quá ngắn để nghĩ dài, chúng tôi chỉ biết tận hưởng những gì đang xảy ra trong tiết học, cười cùng nhau, hát cùng nhau, chơi đàn cùng nhau.

“Sophie thích học theo màu lắm. Hôm nay còn bắt bố tìm bài để tự tập.”

Tôi bất ngờ nhận được tin nhắn từ mẹ Sophie kèm theo một đoạn video con bé chơi bản nhạc Twinkle Twinkle Little Stars với các chấm tròn nhiều màu sắc trên màn hình chiếc ipad.

“Sophia bảo bố mẹ quay gửi cô Nana. Với cô Nana đưa thiếu chuông màu tím nên không chơi được, phải chơi bằng piano.”

Với những cái chuông nhấn, Sophie đã mày mò để chơi từ bài này đến bài khác. Có thể là tất cả, tất cả các bản nhạc được ký hiệu bằng các chấm tròn nhiều màu sắc có sẵn trên internet đều đã được con bé thử qua. Tôi còn biết điều đặc biệt hơn, trước khi giục bố tìm thêm những bản nhạc để tập, Sophie đã tự vẽ ra những hình tròn nhiều màu trên giấy để tập nhấn với chuông. Sophie miệt mài tập ngày tập đêm, đến mức phải có “chỉ thị” không được chơi chuông sau 8 giờ tối thì mới có thể hạn chế được sự hưng phấn tập nhạc của con bé.

Và rồi những tuần sau đó, tôi nhận thấy Sophie chơi đàn tiến bộ hơn và tốt hơn. Tiến độ đó diễn ra rất từ tốn và chậm rãi. Nó không giống như kiểu phim siêu anh hùng của hollywood, thức dậy sau một đêm và mang trong mình siêu năng lực. Sophie đã đi qua những đoạn đường ghồ ghề, khúc khuỷu, và cả bằng phẳng dễ dàng. Có rất nhiều thách thức có lẽ con bé đã phải đấu tranh để vượt qua. Nhưng tôi nghĩ rằng, trẻ em không nghĩ quá phức tạp như người lớn, chúng thấy thích là chúng sẽ làm.

Sophie chơi cùng với mình một bản nhạc bạn tự tập luyện

……………….

Sau một vài tuần học với những nội dung được soạn riêng, tôi đưa Sophie quay trở lại với giáo trình Tales và tin rằng thời điểm đã chín muồi. Đúng như vậy, có một khoảng thời gian đi chậm lại, học đọc nốt thông qua màu sắc, khi trở lại với Tales, Sophie làm quen dễ dàng với việc tập luyện các bản nhạc ngắn và “enjoy” nhiều hơn với âm nhạc.

Trong nhiều tuần lễ liền, những bản nhạc dễ thương trong cuốn sách đều được Sophie chơi qua. Nhưng về phần tôi, tôi đã thôi không kể chuyện nữa, vì tôi không đủ can đảm để mạo hiểm nếu lỡ vô tình tạo ra những ấn tượng cho Sophie về cuốn sách. Điều đó hợp lý đúng không? Khi người giáo viên đủ nhạy cảm để biết học sinh mình cần gì, muốn gì, phù hợp với cái gì và khi nào thì họ phải thay đổi.

Nhật ký của một cô giáo dạy Piano

06.01.2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!