Đệm Piano là một trong những nội dung được yêu thích nhất của các bạn trẻ ngày nay. Bản thân tôi cũng đã vào độ tuổi trung niên nhưng vẫn dành nhiều tình cảm cho lĩnh vực này. Còn gì đặc biệt hơn là việc được trải lòng mình ra với âm nhạc và bản thân có thể hoàn toàn tự chủ những gì mình muốn thể hiện?
Phần lớn các khoá học dạy đệm hát thường tập trung vào những mảng như điệu đệm, hoà âm, ngẫu hứng….tất cả những phần này đều cần thiết và đều góp phần hoàn thiện các kỹ năng hcho người đệm đàn. Tuy nhiên có một yếu tố thường hay bị bỏ lỡ và ít được nhắc đến trong các tiết học đó là kỹ năng nhận biết nhịp của bản nhạc.
Thông thường, số chỉ nhịp được viết vào đầu bản nhạc, vì thế việc xác định nhịp với bản nhạc đã có sẵn không quá phức tạp cho người học đệm hát. Tuy nhiên, việc biết được bản nhạc đó viết ở nhịp gì và việc nhận thức về sự phân chia của âm nhạc trong một bản nhạc lại hoàn toàn trái ngược nhau.
Giống như việc tôi có thể bị thu hút bởi quảng cáo của một món ăn khi người ta cố gắng nói ra những tính từ về gia vị, như nó ngon như thế nào, béo ngậy ra sao…nhưng ấy là khi tôi biết những điều đó thông qua hình ảnh và sự liên tưởng. Trải nghiệm của tôi về món ăn chỉ có thể thực sự chín mùi ở thời điểm mà tôi có thể thực sự thưởng thức món ăn đó bằng miệng của mình.
Đó là ẩm thực, huống chi âm nhạc lại là một phạm trù riêng biệt về âm thanh, nơi mà người ta chỉ có thể hiểu đủ khi họ đã lắng nghe và nghe có nhận thức.
Lúc giác ngộ được điều này, tôi đã có một thời gian trải nghiệm quan sát học sinh khi họ chơi nhạc. Bàn tay họ bấm chính xác các phím đàn và đôi mắt của họ rất chăm chú vào bản nhạc, mọi thứ nhìn qua có vẻ đều ổn, nhưng tổng thể lại có một sự máy móc gì đó rất khó diễn tả.
Về sau này, có một lỗi sai họ rất thường lặp đi lặp lại. Đó là bị rối nhịp và chủ yếu là ở những bản nhạc được viết ở nhịp 3 như Waltz hay Boston…
Như cách truyền thống giáo viên thường dạy, người học sẽ được khuyên đếm thầm 1 2 3 khi nhấn vào các hợp âm. Điều này cũng mang đến tính hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ ổn cho đến lúc giọng hát được kết hợp giọng hát với phần đệm đàn. Dường như những nỗ lực trước đó đều tan biến và người học lại quay trở về với những thói quen cũ khó bỏ. Việc vừa hát vừa giữ nhịp vừa bấm hợp âm cho chuẩn xác quả thật là một thách thức nan giải.
Vấn đề này xảy ra khá thường xuyên, nó vượt ra ngoài những lớp học đệm hát và thậm chí còn trở nên phổ biến hơn trong những tiết piano phổ thông. Tôi nhớ cách đây không lâu có một bạn trẻ đã gửi câu hỏi cho kênh NaNa Piano của tôi về cách nhịp 3/4 vì bạn ấy tập mãi mà không được.
Khi có cơ hội đi chậm lại và ứng dụng những gì đã trải nghiệm từ bản thân với Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động, mọi thứ dần dần lộ ra với tôi khá rõ ràng. Nếu như tôi hỏi học sinh mình: “Bạn đã hiểu nhịp 3 chơi như thế nào chưa?”, họ chắc chắn khẳng định là đã hiểu. Tôi cũng không có gì nghi ngờ với câu trả lời đó. Nhưng cái kết luận về sự hiểu của học sinh chưa thực sự là trọn vẹn nếu họ chưa từng trải nghiệm về nhịp 3 là như thế nào với toàn bộ tâm – thân – trí của họ.
Vậy là, để giúp học viên “hiểu” về nhịp trọn vẹn hơn, tôi đã khuyến khích họ chuyển động.
Đầu tiên trước hết là nhận thức được điểm nhấn – sức hút của âm nhạc.
Điểm nhấn của âm nhạc hay sức hút của âm nhạc được trải nghiệm thông qua một trò chơi khá đơn giản nhưng lại thú vị có tên gọi là “Chụp Hình”. Mỗi bạn được chọn một kiểu tạo dáng mình thích nhất. Và mỗi khi đến chỗ âm nhạc có điểm nhấn, họ sẽ tạo dáng kiểu đó. Còn khi âm nhạc chỉ vang lên bình thường, họ có thể ngồi yên hoặc làm gì tuỳ thích. Đáng chú ý nhất là họ cơ thể của họ sẽ hoàn toàn “tỉnh thức” để thể hiện nhanh nhất và đúng lúc nhất khi điểm nhấn của âm nhạc xảy ra.
Có thể nói đây là một hoạt động đầy thú vị và giữ cho tâm trí của người học ở trạng thái “tỉnh thức” nhiều nhất.
Tiếp theo, học viên được yêu cầu đếm các phách đều ở giữa những điểm nhấn. Có một vòng lặp mà họ cần phải tìm ra thông qua âm nhạc để thể hiện với cơ thể của mình. Hầu hết ở bước này, các bạn học viên đều có thể đọc được những gì họ nghe và cảm thấy. Điều này tuỳ thuộc vào âm nhạc ngẫu hứng mà giáo viên chơi trên đàn.
Sau đó, tôi bắt đâu diễn giải và kỳ hiệu hoá các phách mạnh – nhẹ trên bảng trắng. Học viên sẽ được tập luyện nhiều hơn để cảm nhận độ dài của nhịp bằng cách vỗ tay vào các phách mạnh và đồng thời hát một bài hát được viết ở nhịp đó cùng lúc. Đây thực sự là một hoạt động âm nhạc mang nhiều tính nhạc cảm và giúp ích vô cùng trong việc xây dựng cảm giác bên trong.
Đối với việc học đệm hát, cảm giác bên trong một con người về nhịp và phách là rất quan trọng. Nếu như tôi nói rằng, nó có thể là yếu tố then chốt hàng đầu để quyết định một người có thể đi lâu dài với bộ môn này không cũng không phải nói quá. Tuy nhiên, có những người được ban tặng khả năng nhịp phách vững vàng, một số khác thì không. Vì vậy, các hoạt động Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động sẽ thực sự giúp ích cho người học đệm rất nhiều nếu như họ được tham gia thường xuyên.
Trong suốt quá trình học, điều tôi nhắc nhở học viên của mình nhiều nhất là “nghe nhạc và tận hưởng nào!” Sức mạnh của những từ khoá này vô cùng to lớn. Nó giúp học viên bỏ lại những hình ảnh về ký hiệu và khái niệm về lý thuyết. Và những gì họ làm ngay tại chính thời điểm đó là hoàn toàn chú ý vào thân – tâm – trí: Thân thể chuyển động – Tâm hồn tận hưởng – Trí tuệ nhận thức.
Một thời gian ứng dụng Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động vào các buổi dạy đệm hát, kết quả tôi thu được là sự tiến bộ của học viên trong việc họ cảm nhận âm nhạc và nghe nhạc. Điều này đã ảnh hưởng vô cùng to lớn trong cách đệm đàn của các bạn. Không còn sự máy móc để phải đếm nhịp và tính toán khi nào thì sẽ nhấn xuống, nhấn cái gì trước cái gì sau. Các bạn được tự do để chơi đàn, để hát, để có được cảm giác hân hoan cùng với âm nhạc mà không phải quá lo nghĩ mình có thiếu gì không.
Lắng nghe học viên chia sẻ rằng họ không còn thấy khó khăn nữa khi hát và chơi những bài hát ở nhịp 3/4 với sự phấn khởi khiến lòng tôi tràn đầy niềm tự hào cho các bạn. Tự hào vì các bạn học viên của tôi đã dám thử những cách mới để giúp họ vượt qua những thói quen cũ. Tự hào vì họ đã tìm thấy niềm vui và tận hưởng âm nhạc một cách trọn vẹn…
Nhật ký của một cô giáo dạy piano
Trên chuyến bay trở về Việt Nam – 14.01.2021
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.