Sau khi tốt nghiệp CĐVH-NT, tôi bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về những phương pháp giảng dạy âm nhạc khác nhau vì tôi thấu hiểu tận sâu trong thâm tâm mình, dường như có gì đó vẫn thiếu thiếu.
Tôi tìm hiểu nhiều phương pháp, nhiều cách tiếp cận, từ các nhà giáo dục như Jean Piaget, Montessori rồi đến những người làm giáo dục âm nhạc chuyên biệt hơn như Kodaly, Carl Orff, Dalcroze, Suzuki… Tất nhiên, đó chỉ là sự tìm hiểu thoáng qua như là đọc các bài viết của những chuyên gia trong ngành, xem các video thực hành của học sinh.
Nhưng phương pháp nào là tốt nhất? Tôi không tìm thấy sự kêu gọi nào cho mình.
Hơn một năm gần đây, rất may mắn, tôi được tiếp cận với phương pháp giảng dạy Piano cho trẻ em của cô Irina Gorin – giáo sư người Nga hiện đang sống tại Mỹ và cô khá nổi tiếng với bộ giáo trình Tales of a Musical Journey. Tôi học được rất nhiều thông qua các video của cô cùng với những buổi thảo luận chung với nhau từ các giáo viên trên khắp thế giới. Mỗi người đều mang đến quan điểm, góc nhìn khác nhau cho cùng một chủ đề.
Nhưng phương pháp này có thực sự phù hợp khi tôi ứng dụng với học sinh?
Để biết thứ gì đó có hoạt động hay không, không có gì khác hơn là phải thực hành. Tôi nhận ngay một vài học sinh online từ Mỹ và quyết định sẽ đặt hết những gì mình đã học vào đời thực để xem kết quả diễn tiến như thế nào.
Vừa dạy vừa học, tôi nhìn biết các học sinh của mình đều là những đứa trẻ đặc biệt, và chúng đều có thể dạy tôi điều gì đó. Nhưng khác với những lần trước, giai đoạn này tôi đã hiểu hơn về những gì mình đang làm. Không còn lờ mờ nữa mà là một nền tảng vững chắc. Vì thế, khi đưa những gì đã được học vào giảng dạy, tôi rất tin tưởng và hoàn toàn cảm thấy thoả mãn với cách giảng dạy của mình.
Tôi kết hợp Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động với Phương pháp của cô Irina và cho ra đời một kiểu dạy học của riêng mình. Chưa bao giờ trong đời tôi lại cảm thấy thoả mãn đến thế sau những tiết dạy được ứng dụng phương pháp này một cách thành công.
Mỗi người đều có một cách thoả mãn riêng, một phong cách riêng, một góc nhìn riêng, một cách dạy riêng. Tôi biết nỗi đau của mình. Đó là nỗi đau của một người không tìm thấy ý nghĩa trong những gì cô ta làm. Mặc một bộ đồ cô ta không thấy thích. Chơi một bản nhạc cô ta không thấy yêu. Nỗi đau đè nặng trên đôi vai. Nỗi đau kéo dài âm ỉ đến nỗi sau này khi trở thành một giáo viên, tôi tin rằng sứ mệnh đầu tiên và quan trọng nhất của mình phải là giúp cho học sinh nhìn thấy vẻ đẹp của âm nhạc và yêu âm nhạc từ bên trong tâm thức của các em.
Tôi tin rằng, mỗi phương pháp đều là một phương tiện để giáo dục, bản thân người giáo viên cũng là một phương tiện cho quá trình giáo dục. Học sinh sau khi đã đạt được mục tiêu của việc học cũng sẽ trở thành một phương tiện để tôn vinh một giá trị cao cả hơn chính cái tôi của các em. Vượt cao hơn cả sự nhận thức về cái tôi, chính là hiểu được sự có mặt của mình ở trên đời này là để đóng góp cho sự phát triển của mọi người.
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano,
Viết cho một ngày cách ly F0,
04.03.2022

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Cảm thấy vui lây vì cô đã tìm ra được sự thoả mãn tuyệt vời như vậy