Nhật ký 32: “Tao không biết múa!”

Một trong những thất bại nhất của tôi là không thể giúp cho người bạn thân của mình có thể chuyển động với âm nhạc.

Chúng tôi đã có khoảng 2, 3 buổi học trực tiếp với nhau và những gì tôi nhìn thấy là tay chân cô ấy thật sự rất rời rạc mỗi khi chúng vung vào không khí.

Dù tôi có nói bạn mình hãy thả lỏng, hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên, đừng suy nghĩ phức tạp. Nhưng sự thật là định kiến và những thói quen trong nếp nghĩ của cô ấy đã buộc chặt mọi thứ thành một khối không thể thoát khỏi.

Cô bạn của tôi trở nên bị ám ảnh với việc mình không mềm mại được như những người bạn cùng lớp. Sự tự ti và mặc cảm chất chồng. Mỗi khi nghe giáo viên mời cả lớp đứng lên chuyển động theo nhạc, tôi có thể nhìn thấy trong ánh mắt của bạn tôi chứa cả một bể đầy ưu tư lo lắng. Vài tháng sau, cô bạn của tôi bắt đầu bận rộn hơn với nhiều thứ công việc và dần bỏ bê việc tập đàn, cuối cùng, cô ấy nghỉ học.

Còn tôi thì thất bại trong chính phương pháp của mình – không thể giúp học sinh cảm thấy yêu thích việc cảm nhận âm nhạc.

Để yêu thích một cái gì đó dựa vào nhiều những yếu tố khác nhau. Phần lớn, lý do để người ta đam mê một công việc nào đó phụ thuộc vào việc người đó cảm thấy như thế nào khi họ kết thúc xong một tiến trình lao động. Nó có được hoàn thành trong sự hân hoan, vui thích, hay sự khó khăn, mệt mỏi?

Tôi đoán rằng mỗi lần buổi học kết thúc, dù bạn tôi có thấy nội dung bài giảng thú vị đến bao nhiêu nhưng bản thân cô ấy lại không cảm nhận được việc học một cách hân hoan trọn vẹn, thì việc những tiết học có thể kéo dài hay không cũng rất hên xui may rủi.

Do vậy, trong câu chuyện này, phần nhiều sự ảnh hưởng kết quả là thuộc về giáo viên. Và thật như thế, trong mọi câu chuyện của những tiết học âm nhạc, yếu tố thành công hay thất bại đều phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên.

————-————-————-————-————-————-————-————-

Con chào cô ạ
Cô ơi
Con nghĩ là con sẽ nghỉ học đàn ạ
Bởi vì con đã có hứng thú với loại nhạc cụ khác
Đó là guitar ạ
Vì…ờm…
Con cảm thấy mình hết húng thú với piano rồi ạ
Ko phải là con chán piano rồi
Mà chỉ là con cảm thấy hết húng thú rồi thôi ạ
Con nghĩ con hết hứng thú với piano là do cái cô gia sư kia trước cô đã gây cho con cảm thấy nhàm chán khi đánh đàn
Và giờ học với cô cũng rất thú vị
Nhưng cái niềm yêu piano của con nó ko nhiều như hồi mới chơi nữa

Bây giờ để lấy lại niềm yêu đàn trong con khó lắm ạ
Ở trên trường, đến tiết Nhạc thì bọn con sẽ đc học chơi guitar
Và con bắt đầu có hứng thú với guitar từ đấy
Con nghĩ chắc cô sẽ buồn lắm nhưng mong cô hãy thông cảm cho con ạ :–|”

Trên đây là tin nhắn của một bạn học sinh 13 tuổi gửi cho tôi sáng nay. Tôi phải nói rằng mình không thấy buồn gì cả khi đọc những dòng bạn viết. Ngược lại thì tôi thấy vui vì bạn đã tìm được một niềm yêu thích mới cho bản thân – guitar – đó cũng là âm nhạc. Chỉ có một vài chữ khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhất – “nhàm chán khi đánh đàn”.

Hãy tưởng tượng sẽ tệ đến mức nào nếu chúng ta nói với ai đó rằng: “Tôi nhàm chán khi chơi với bạn lắm rồi!” – Đó là thứ cảm xúc vô cùng tiêu cực, có thể nói nó gần ngang ngửa với từ “ghét”…

Tôi không biết rằng đứa trẻ 13 tuổi đó đã chịu đựng bao lâu và với những tiết học như thế nào để từ “yêu piano” có thể trở thành “nhàm chán”. Liệu ba mẹ của em có nhạy cảm với những gì em thể hiện sau mỗi buổi học? Liệu em đã từng nói ra những cảm xúc ngổn ngang của mình với ba mẹ?

Dù cho chúng ta có thể đổ lỗi cho phụ huynh vì không quan tâm con cái, học sinh lười biếng không tập luyện, nhưng chúng ta đừng quên rằng: Cầu nối duy nhất từ âm nhạc đến học sinh là chính chúng ta – những người giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Tôi học được rằng những lời khuyến khích động viên là rất cần thiết trong giảng dạy, nhưng hơn cả đó là một phương pháp được tiếp cận hiệu quả để học sinh có thể được bồi đắp thêm lên tình yêu âm nhạc và tình yêu đó sẽ làm động lực cho việc luyện tập của các em.

Làm sao để tôi có thể khơi gợi cho các học sinh mình cảm nhân và lắng nghe nhiều hơn? Trải nghiệm cơ thể của họ nhiều hơn với âm nhạc? Làm sao để tôi có thể giúp cho họ nhận thức được vẻ đẹp của sự chuyển động, của nhảy múa, của ca hát, của chơi đàn là phương hức chữa lành cho tâm hồn của họ nhiều đến mức nào…?….

…Đó sẽ còn là những câu hỏi mà tôi vẫn phải tiếp tục đi tìm chìa khoá cho câu trả lời.

Nhật ký của một cô giáo dạy Piano

23.03.2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!