Nhật Ký 33: “Hãy lắng nghe âm nhạc bên trong em…”

Âm nhạc đến với con người hay con người tạo ra âm nhạc ?

Khoảng vài tuần gần đây, tôi tham gia một lớp múa sáng tạo của trung tâm Trị Liệu Múa Chuyển Động/Vietnam Dance – Movement Therapy. Cùng với hơn 29 người bạn trên Zoom và cô giáo sư Mary Ann, chúng tôi đã múa cùng nhau và trải nghiệm những cảm giác rất đặc biệt mà lớp học mang lại.

Cuối giờ học thứ 7 tuần trước, có một câu hỏi đã được đặt ra, đó là một câu hỏi liên quan đến việc một người có nên múa với âm nhạc được thu sẵn hay không? Và làm sao để thoát khỏi những động tác quen thuộc để có thể múa sáng tạo hơn?

Tôi thích thú với câu hỏi này, vì đó đang là những gì tôi tìm kiếm và nghiên cứu. Con người sẽ múa như thế nào khi không có nhạc? Âm nhạc đến từ bên ngoài tác động họ hay họ có thể tạo ra âm nhạc để giải phóng những cảm xúc bên trong?

Với một người học nhạc hơn 20 năm, dù có đang nằm nhắm mắt, tôi cũng không cảm thấy quá khó khăn để flow ngẫu ứng một câu giai điệu nào đó. Khi đó, âm nhạc đã (nói như nhiều người vẫn nói) ngấm vào máu của một người rồi. Tuy nhiên, về phía ngược lại – những người chưa từng có những trải nghiệm âm nhạc, để làm được điều này với họ là đơn giản hay quá phức tạp?

Tôi có kinh nghiệm trong rất nhiều tình huống khi mời học sinh của mình hát một-cái-gì-đó. Họ không biết hát cái gì. Đó là những gì họ trả lời tôi.

Đối với những đứa trẻ thì phản ứng lại khác, có đứa thì tự tin ngẫu hứng một đoạn giai điệu là lá la nào đấy chúng đã từng nghe qua, nhưng cũng có đứa ngồi im thin thít và miệng không buồn mở. Con không thích hát. Đó là những gì chúng trả lời tôi.

Có nhiều vấn đề trong các tình huống trên để có thể viết thành những bài phân tích. Nhưng tôi sẽ viết nhiều hơn về những người muốn hát nhưng lại không biết hát cái gì.

Họ có thích âm nhạc không? – Có!

Họ có biết chơi nhạc không? – Chắc chắn là biết!

Họ có cảm nhận được âm nhạc không? – Dĩ nhiên là họ biết âm nhạc vang lên như thế nào rồi!

Vậy tại sao họ không hát được? – Chỉ có một lý do duy nhất, vì họ chưa từng tập luyện.

Vì sao họ chưa từng tập luyện? – Vì chưa từng ai dạy!

Đối với môn âm nhạc ở hầu hết những ngôi trường tôi đã từng học. Những gì học sinh biết về âm nhạc là nhìn vào bản nhạc và đọc nốt nhạc. Đó là hình thức học nhạc trực quan tiếp thu thụ động phổ biến. Lúc đó, âm nhạc là đối tượng và người học nhạc là người “mã hoá” các hình ảnh để chuyển nó thành âm nhạc.

Nhưng, triết lý mà cô Mary Ann nói ở lớp múa sáng tạo vào thứ 7 tuần trước lại hoàn toàn ngược lại với những gì mà đa số chúng ta đã được học ở trường phổ thông. Lúc này, âm nhạc đã trở thành phương tiện để giúp con người có thể biểu đạt nội tâm, cảm xúc, tâm tư tình cảm của họ ra bên ngoài.

Và tôi tự hỏi, để một người có thể biểu đạt được nội tâm ra thành âm nhạc, họ có thể cần trải nghiệm qua những gì?

Có chăng họ cần trải nghiệm được nỗi đau buồn sẽ có hình thái âm thanh như thế nào?

Có chăng họ cần trải nghiệm được niềm vui mừng phấn thích sẽ có hình thái âm thanh như ra sao?

Có chăng họ cần nghe và trải nghiệm được hết tất cả những hình dạng cảm xúc ở thể âm thanh để họ biết gọi tên những gì đang tồn tại bên trong họ một cách chính xác nhất?

Với trẻ em, sẽ không quá khó để nói các em bày tỏ với mọi người mình là người như thế nào, nhưng để hỏi trẻ đang thật sự cảm thấy những gì đang diễn ra nội tại bên trong thì có lẽ ngôn ngữ lại trở nên rất hạn chế để có thể được sử dụng. Đó là lý do vì sao có âm nhạc trị liệu, vì với sự tương tác trên nhạc cụ, nhà trị liệu có thể quan sát hành vi của đối tượng và đưa ra những phác đồ điều trị thích hợp trong việc sử dụng âm nhạc.

Ở góc độ người trưởng thành, việc gọi tên những cảm xúc đang diễn ra lại không hề quá khó. Họ có thể nhận thức rõ ràng con người bên trong mình đang như thế nào. Nhưng họ lại đánh mất sự vô tư của một đứa trẻ để có thể bày tỏ ra ngoài. Với những ràng buộc về văn hoá lẫn định kiến khiến cho việc một người trưởng thành có thể thực sự lắng nghe – thấu hiểu – bày tỏ trở nên một nan giản cho nhiều người.

Với người Châu Á, đặc biệt là người Việt Nam, cách giáo dục ở nhà trường với một hệ thống giảng dạy thụ động khiến cho chúng ta đã dần bị lãng tai với những “giai điệu” vang lên bên trong chúng ta. Và để quay trở lại với việc tìm kiếm những dòng chảy cảm xúc của nội tại, không có gì khác hơn đó là người học cần phải trải nghiệm âm nhạc và cơ thể cùng với Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động.

Với người Châu Á, đặc biệt là người Việt Nam, cách giáo dục ở nhà trường với một hệ thống giảng dạy thụ động khiến cho chúng ta đã dần bị lãng tai với những “giai điệu” vang lên bên trong chúng ta. Và để quay trở lại với việc tìm kiếm những dòng chảy cảm xúc của nội tại, không có gì khác hơn đó là người học cần phải trải nghiệm âm nhạc và cơ thể cùng với Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động.

Ở đấy, Cảm Thụ Âm Nhạc không chỉ đánh thức, gợi mở mà còn là định hướng để giúp người học làm quen và những hình thái cảm xúc sẽ được vang lên với “âm nhạc” như thế nào rồi từ đó họ bắt đầu tìm ra được “bài hát” của chính mình.

Nếu như không có bước này, toàn bộ những âm thanh vang lên bên trong một người có thể giống như một bản nhạc được chơi hỗn loạn. Họ rất có thể sẽ cảm thấy lạc lối và hoang mang trong việc thấu hiểu cảm xúc và khó khăn để hiểu mình đang cảm thấy gì và muốn làm gì.

Như vậy, với góc độ trị liệu tâm lý, quá trình của việc học Cảm Thụ Âm Nhạc không phải là để đóng khung những gì người tham gia nhận được, mà là một cánh cửa để giúp họ bước vào thế giới của mình cách dễ dàng hơn, hiệu quả hơn và nhạc tính hơn.

…….

Hôm thứ 5 tuần rồi, tôi gặp lại Sophie vào một buổi sáng trời âm u. Mái tóc của Sophie đã dài hơn. Con bé cũng đã cao hơn ít nhất 5 cm. Chúng tôi học đàn và ôn lại những kiến thức đã nhớ nhớ quên quên trong 3 tháng không được gặp nhau. Rồi tôi mời Sophie hát một-cái-gì-đó sau khi tôi đã hát để con bé có thể lặp lại theo sau.

Trong 2 giây, đôi mắt Sophie nhìn tôi lưỡng lự giữa không trung. Con hát gì cũng được. Là lá là la. Hát vậy đó. Cứ hát đi. Tôi trấn an Sophie.

Và Sophie bắt đầu để những giai điệu tuôn ra từ từ chậm rãi thận trọng. Tôi hát lại theo và chuyển động theo Sophie. Tôi để con bé dẫn dắt và lắng nghe những flow nó đang ngẫu hứng. Đó là những giai điệu tôi chưa bao giờ nghe Sophie hát.

Nhật ký của một cô giáo dạy Piano

31.03.2022

Một bài tập được ứng dụng múa sáng tạo và tạo ra âm thanh để mô tả chuyển động

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!