Nhật ký 34: Đam mê hay kỷ luật?

Khoảng bốn tuần trở lại đây tôi tuân thủ rất chặt chẽ những công việc mình tự đặt ra cho bản thân, trong đó có cả tập luyện Piano mỗi ngày để thi chứng chỉ Abrsm Grade 5.

Vốn là một người rất hiểu cách mình làm việc, với mỗi nhiệm vụ tôi chỉ làm theo đúng những phần đã được quy định. Để đạt những kết quả tốt nhất, tôi đo lường sức mình có thể bỏ ra cho nhiệm vụ đó chỉ trong khoảng 70 ~ 80% mỗi ngày.

Sau đó tôi phát hiện ra rằng, việc tập luyện Piano mỗi ngày có thể giúp con người rèn luyện rất nhiều phẩm chất và kỹ năng. Trong đó có tập trung, nhẫn nại, quyết tâm, tổ chức công việc, suy nghĩ logic, lắng nghe, thấu cảm, quan sát, bình tĩnh…vv…vv…Có lẽ sẽ có nhiều hơn nữa so với những người khác những gì tôi đã trải nghiệm qua. Tuy nhiên, có thể nói rằng, nếu tập luyện Piano một cách đúng đắn thì 60 phút mỗi ngày đó sẽ là khoảng thời gian mang đến phép màu nhiều nhất cho một người học chơi Piano.

Khi trở thành giáo viên của chính mình, một câu hỏi đã được đặt ra: Động lực hôm nay khiến mình phải tập đàn là gì?

Nếu có thể trả lời được câu hỏi trên thì chắc chắn tôi sẽ hiểu lý do vì sao học sinh của mình lại lơ đễnh trong việc tập luyện.

  • Vì sao ban đầu hầu hết mọi người đều phấn khởi để bắt đầu nhưng sau đó lại bỏ cuộc?
  • Vì sao âm nhạc lại hấp dẫn đến thế nhưng để theo đuổi đến cùng thì lại rất tuỳ thuộc vào cơ duyên?

Đó là một bí ẩn.

Ngày nay người ta trao tay nhau rất nhiều công cụ để hỗ trợ cho việc học và luyện Piano. Từ những giáo trình được bán chạy nhất trên toàn cầu cho đến các ứng dụng dành cho đủ mọi cấp độ và nhu cầu. Khi ghé vào kệ sách âm nhạc ở Kyobo, nhẩm tính có khoảng gần một ngàn tài liệu bằng giấy ở đó với rất nhiều các chủ đề khác nhau. Nếu tôi thật sự giỏi tiếng Hàn, có lẽ tôi sẽ cháy túi vì tháng nào cũng mua quá nhiều sách âm nhạc ở Kyobo để đọc.

Nhưng việc mua sách hay chi trả cho một ứng dụng tập luyện cũng chỉ là ngòi nổ để kích thích sự hưng phấn ban đầu của việc học chơi Piano. Đó chỉ là một cái đà để đẩy chúng ta đi chứ không phải là một con thuyền để đưa chúng ta đi xa hơn.

Nhưng việc mua sách hay chi trả cho một ứng dụng tập luyện cũng chỉ là ngòi nổ để kích thích sự hưng phấn ban đầu của việc học chơi Piano. Đó chỉ là một cái đà để đẩy chúng ta đi chứ không phải là một con thuyền để đưa chúng ta đi xa hơn.

Đôi khi tôi tự hỏi những thần đồng Piano đã có quá trình luyện tập như thế nào? Làm sao những đứa trẻ đó được thăng hoa với âm nhạc nhiều như vậy? Năng khiếu? Chắc chắn rồi! Nếu không có cây rìu làm sao anh thợ tiều phu có thể đốn củi? Và nếu cây rìu yêu quý đó không được mài dũa mà trở nên lụt cùn thì anh có còn gì để làm công việc của mình nữa không?

Để giữ lưỡi rìu luôn sắc bén, không còn cách nào khác là anh phải mài rìu mỗi ngày.

Mỗi ngày – Đây chính là yếu tố trọng yếu nhất của việc hình thành tất cả mọi thói quen của một người.

Vậy thì làm cách nào để một người có thể tạo lập được thói quen tập luyện Piano mỗi ngày? Tôi nghĩ mỗi lứa tuổi đều có một nội động lực riêng. Với trẻ em nhỏ tuổi, thời điểm ban đầu để khuyến khích các bạn giữ được thói quen tập luyện ba mẹ nên động viên và giúp các bạn tổ chức các buổi tập với lượng + chất phù hợp. Các bạn cần được hướng dẫn để tập theo các nhiệm vụ giáo viên đã giao và tập trung để đạt được những phần nhỏ mỗi ngày tuỳ vào sức mình. Ba mẹ có thể cần một chút nghiêm khắc để trẻ hiểu rằng việc giữ theo đúng nguyên tắc tập luyện là rất quan trọng và nó ảnh hưởng đến kết quả việc học. Giữa thời gian và chất lượng trong các buổi tập thì tôi chú trọng vế thứ hai nhiều hơn, vì sức bền của trẻ sẽ có thể khác nhau tuỳ theo từng ngày. Không ngày nào là chúng sẽ ngồi vào đàn giống như ngày nào cả.

Đối với người trưởng thành thì khó hơn, đặc biệt là với người đã lập gia đình và có con nhỏ. Họ đều có ý chí nhận thức rất cao và hầu hết đều có cái nhìn nghiêm túc với việc học đàn nhưng mặt khác, trong đời họ lại có quá nhiều thứ khác mà cần phải ưu tiên giải quyết. Như vậy làm sao để người trưởng thanh có thể giữ được thói quen tập luyện mỗi ngày? Được chứ! Nếu họ chia nhỏ ra các phần để thực hiện và kỷ luật bản thân để làm.

Vốn là một người lớn học đàn không-được-siêng-cho-lắm nên cách tập luyện của tôi cũng rất “gọn nhẹ”. Sau khi luyện ngón, tôi sẽ tập trung để tập một đoạn nhạc mới hoặc cải thiện một phần nào đó trong bản nhạc chưa được chơi tốt. Và mọi thứ chỉ dừng lại đó. Tôi không tập gì thêm nữa. Một chút nữa cũng không.

Tôi chưa biết cách luyện tập của mình như thế có thật sự ổn không, nhưng ít nhất nó đã giữ cho tôi có thể ngồi vào ghế đàn mỗi ngày để tập luyện và quan sát thành quả của mình thường xuyên nhất có thể.

Như vậy thì điều gì khiến chúng ta phải tập luyện Piano? Niềm đam mê hay sự kỷ luật? Cả hai. Nếu thiếu một trong hai có lẽ con đường âm nhạc chúng ta bước đi sẽ thành dang dở. Một nghệ sỹ nào đó đã nói rằng: Nghệ thuật được bắt đầu trái tim nhưng phải được hoàn thiện bằng lý trí. Người học chơi piano nếu sa đà nhiều vào cảm xúc thì dễ bị chi phối bởi cảm xúc. Hôm nay họ thích tập cái này, ngày mai lại chuyển sang tập cái khác dễ hơn. Mặt khác, nếu chỉ dựa vào KPI để đạt được đủ số giờ tập luyện thì chúng ta lại chẳng khác gì là những người thợ đàn – chơi một bản nhạc và không nhận lại được điều gì từ nó cả.

Nhật ký của một cô giáo dạy Piano

12.04.2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!