Từ lâu tôi đã hay gặp vấn đề với việc chơi các gam rải.
Hầu hết mỗi lần khi luyện tập về gam rải tôi đều cảm thấy âm nhạc mình đang tạo ra trên phím đàn như một đoạn đường khúc khuỷ gồ ghề và nghe thì rất thiếu tính nghệ thuật.
Tôi tin rằng tính nghệ thuật của âm nhạc không chỉ tồn tại ở những tác phẩm đã được viết hoàn chỉnh mà còn nằm trong cả những bài luyện ngón quen thuộc hằng ngày. Sự cảm thụ về nghệ thuật khi được tiếp xúc từ sớm sẽ giúp học sinh nâng cao thẩm mỹ âm nhạc một cách vượt trội. Ở những thời kỳ đầu học chơi đàn, mục tiêu của các tiết học thường ít chú trọng vào tính nghệ thuật trong âm nhạc và đa phần các giáo viên chỉ tập trung vào việc dạy cho học sinh nhìn bản nhạc và đánh đàn.
Điều đó là cần thiết. Nhưng phạm trù của âm nhạc không chỉ gói gọn trên 5 dòng kẻ và những trang sách. Nó còn có thể vượt ra ngoài biên giới của hình ảnh các nốt nhạc mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy.
Tôi đã gặp khó khăn một thời gian dài khi được dạy chơi Piano theo cách truyền thống. So với bạn bè đồng trang lứa tiến bộ cấp số nhân theo từng học kỳ, tôi cứ mãi ì ạch với các tác phẩm cổ điển rất đơn giản mà vẫn trầy trật mỗi khi cặp sách đến lớp trả bài. Trong đó luyện ngón chạy gam là bài tập nhàm chán nhất mà chơi hoài chơi mãi vẫn không thấy yêu thích cho được.
Nhiều năm tháng trôi qua và khi đã trở thành một giáo viên dạy piano, quan điểm của tôi về các bài luyện ngón chạy gam vẫn giống như thế. Quan điểm thật sự giống như một cái cây cắm rễ sâu dưới lòng đất, nó khiến người ta có thể sống và đi theo những gì mình đang tin tưởng một cách rất mạnh mẽ, thậm chí là mù quáng.
Mọi thứ bắt đầu dần sụp đổ khi tôi quay trở lại tập kỹ thuật với các bài luyện ngón Crezny thời gian gần đây. Mỗi phần tập xong tôi đều được thu hình và nghe đi nghe lại nhiều lần để tự mình nhận định. Và tôi phát hiện ra, các bài luyện ngón của tôi chơi chẳng hề có tính nghệ thuật trong âm nhạc gì cả.
Trước đây khi nói về tính nghệ thuật tôi thường hay nghĩ về những gì liên quan đến cảm xúc nhiều hơn là cách âm nhạc được tạo ra dưới một vẻ đẹp nào đó. Quan điểm sai lầm này đã làm lệch hướng suy nghĩ của tôi trong việc chơi nhạc và dạy nhạc. Thực tế, tôi nhận ra rằng, có kỹ thuật tốt thì người nghệ sỹ sẽ tạo ra được vẻ đẹp nghệ thuật hiệu quả hơn cho các tác phẩm âm nhạc họ trình diễn. Và khi người nghệ sỹ có thể cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc, họ sẽ có thêm nhiều động lực để tạo ra thêm nhiều tác phẩm đẹp.
Đây cũng là cốt lõi của việc dạy piano cho học sinh lứa tuổi nhỏ. Dẫn dắt cho học sinh đến vẻ đẹp của âm nhạc thông qua việc định hướng kỹ thuật tốt.
Đặc biệt trong lĩnh vực về kỹ thuật chơi Piano, tôi còn nhận ra một bài học ít có giáo viên nào từng nói với mình trước đây. Đó là khái niệm về sự tưởng tượng về âm thanh trước khi nhấn xuống phím đàn.
Đôi tai tôi mong đợi câu nhạc này sẽ vang lên như thế nào?
Tôi muốn phần đi đi bass của đoạn nhạc sẽ rõ ràng như thế nào?
Đoạn kết bài sẽ được mạnh mẽ như thế nào thì đủ?
Kỹ năng này không hề đơn giản và đòi hỏi rất nhiều thời gian để tập luyện. Tuy vậy, quá trình đầy thử thách đó sẽ trở thành một mắc xích quan trọng để giúp người học chơi Piano hoàn thiện kỹ năng chơi đàn của mình. Như pianist nổi tiếng thế giới Glen Gould đã nói: “Chúng ta không (chỉ) chơi piano với các ngón tay, chúng ta chơi cùng với tâm trí mình ở đó.”
Khi quay trở lại với cây đàn và luyện tập gam rải Đô Trưởng (một trong những gam rải khó trơn tru nhất tôi từng chơi) cùng với tâm trí của mình. Tôi nghĩ đến một câu nhạc liền lạc legato và với âm thanh vang lên giống như tiếng đàn của bộ dây. Trong một giây phút, trái tim tôi đập thình thịch vì hồi hộp. Sự nghi ngờ trong tôi về tính xác thực của việc sử dụng tâm trí để điều hướng âm thanh vẫn còn là một dấu hỏi quá lớn.
Nhưng lòng yêu âm nhạc quá đỗi đã đẩy tôi đi tới. Tôi đã thử và nó đã thực sự đến, một câu chạy gam mượt mà nhất từ trước đến giờ tôi từng nghe mình chơi.
Những gì đã xảy ra thật khó để nói đó là kỹ thuật của tôi đã đủ tốt để khiến những gì mình mong muốn trở thành sự thật. Nó có vẻ hơi mơ hồ giống phép màu. Nhưng đó là phép màu mà bất cứ ai đều cũng có thể tự tạo ra cho mình. Một phép màu đến từ tâm trí.
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano
26.04.2022

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.