“Cất tâm trí của bạn đi và trước tiên hãy đến với những cảm giác” ~ Fritz Perls
Một vài ngày gần đây khi có cơ hội đọc lại những cuốn sách viết về phương pháp Dalcroze của Stephen Moore và Julia Schnebly-Black, tôi có cơ hội nhìn lại về bộ môn Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động một cách sâu sắc hơn. Đó không phải chỉ là múa, là hát, là chơi nhạc cụ mà còn là về…cảm giác.
Đúng vậy. Cảm giác là thứ có thể giúp chúng ta mường tượng được những trải nghiệm mà chúng ta đã từng hoặc chưng từng gặp trong đời. Chúng ta nhớ cảm giác đã khát khi được ngồi ăn một que kem mát lạnh giữa buổi chiều hè, chúng ta nhớ cảm giác chờ đợi trong cái nắng oi ả một người bạn không biết khi nào sẽ đến, chúng ta cũng có thể tưởng tượng được mình là một con kiến đang vội vã cặm cụi tha mồi về tổ trước khi cơn mưa giông kéo đến, dù chúng ta không cần phải là một con kiến.
Cảm giác luôn giúp con người tưởng tượng về một cái gì đó đang xảy ra. Dù sự vật sự việc đó không xảy ra ngay tại thời điểm hiện tại. Vậy nên, để giúp học sinh có thể cảm thụ được âm nhạc một cách sống động nhất, tôi tin rằng, các cảm giác phải được kết nối với việc học âm nhạc của học sinh.
Và sáng hôm qua, tôi đã có một trải nghiệm vô cùng đặc biệt khi ứng dụng Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động cùng với cảm giác. Đúng 10 giờ, cô bé Ong đã xuất hiện trên màn hình và chào tôi với giọng nói líu lo. Trên người Ong đang mặc một chiếc áo khoác nỉ vải tím hình công chúa xinh xắn. Trong đầu tôi chợt loé ra một ý tưởng.
Tôi nói với Ong về ngày nắng đẹp và ngày mưa phùn. Khi những tia nắng chiếu ấm áp, chúng ta hào hứng mở chiếc áo khoá ra và đón ánh nắng cùng với nụ cười thích thú. Nhưng khi ngày mưa phùn đến, chúng ta lại co ro bên trong chiếc áo khoác với một khuôn mặt ủ dột. Với những gợi ý như thế, cô bé Ong và tôi đã cùng thực hiện với nhau hành động mở và đóng áo khoác, kể cả để áo một cách bình thường – như một ngày bình thường trôi qua.
Sau đó tôi bắt đầu ứng tấu. Mục tiêu là tập trung cho Ong lắng nghe sự tương phản giữa hai âm thanh “sáng tươi” và “buồn bã” với sự thăng và sự giáng của một cao độ. Tôi đã nghĩ ra một chu trình ứng tấu khá rõ ràng với phần giai điệu bắt đầu từ ngày bình thường trên phím trắng, khi âm thanh “sáng tươi” vang lên nghĩa là mặt trời ấm áp đã đến, Ong sẽ mở áo khoác ra và cười thật tươi, ngược lại khi âm thanh “buồn bã” vang lên nghĩa đã có một đám mây đen mang theo cơn mưa lạnh giá, Ong sẽ đóng áo khoác lại với một khuôn mặt méo xệch.
Rồi tiếp theo sau, các ký hiệu thăng và giáng được giới thiệu. Ở bước trước đó, Ong đã hoàn toàn hiểu về hai khái niệm âm thanh “thăng” và “giáng” thông qua cảm giác của cô bé về ngày nắng và ngày mưa, nên ở bước này khi lắng nghe sự thay đổi cao độ, cô bé có thể nắm bắt khái niệm này rất dễ dàng. Và đặc biệt, tâm trí của Ong đã giữ lại trải nghiệm này khi cô bé nghĩ về “thăng” và “giáng”.
Nó được chứng minh thông qua hoạt động tôi gợi ý Ong hãy chơi phím Sol của một ngày bình thường, sau đó hãy chơi phím Sol của một ngày nắng đẹp, và Ong đã chơi Sol “thăng”! Cũng như thế, tôi nói cô bé hãy chơi phím Mi của một mưa phùn buồn bã, Ong đã chơi Mi “giáng”.

Điều này thật sự là một niềm khích lệ vô cùng lớn cho tôi và những gì tôi đang theo đuổi. Kết hợp cảm giác với cảm thụ âm nhạc đã giúp một cô bé 5 tuổi thấu hiểu về âm nhạc rất tự nhiên và đầy sinh động. Chắc chắn, bài học này sẽ luôn còn mãi trong tâm trí cô bé…và cả của tôi.
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano
10.05.2022

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.