Nhật ký 40: Hạt lúa mì

“Nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hạt thôi; nhưng nếu chết đi, nó được kết quả nhiều.” – Kinh Thánh

Khi tìm hiểu về Dalcroze vài ngày gần đây, tôi vô tình xem được một video của giáo sư Robert M.Abramson trình bày về phương pháp này một cách đầy cảm hứng. Ông ấy dẫn dắt mọi người, chơi đàn Piano, chuyển động cùng học sinh…Mọi thứ xuất phát từ vị giáo sư đến từ ngôi trường danh giá Julliard này đều rất tự nhiên và đầy cuốn hút.

Mái tóc ngã màu bạch kim lấp lánh dưới ánh đèn không làm ông trở nên khô cứng như những giáo sư khác ở các trường đại học. Học sinh tương tác với ông. Tất cả đều hào hứng và vô cùng tập trung với những gì đang diễn ra. Họ lắng nghe, chú ý, mong đợi, bất ngờ và cả thích thú. Robert đã đem đến cho họ một cái nhìn hoàn toàn khác về việc học âm nhạc.

Tôi ước mình có thể gặp giáo sư Robert và trò chuyện về hành trình của ông với Dalcroze. Người giáo sư này đã vượt qua những gì để có được thành quả đáng kinh ngạc như vậy? Ông đã phải hy sinh những gì bên cạnh thời gian, sức lực…?

Có bao giờ Robert đã phải từ bỏ một điều gì đó trên hành trình này không?

Bản thân tôi rất ưa chuộng phong cách giảng dạy thoải mái không gò bó. Vì tính chất con người tôi là như thế. Tôi ít nào o ép học sinh. Chúng có thể lựa chọn làm hoặc không. Tôi không muốn can thiệp quá nhiều vào quyết định của một người, cho dù người đó có nhận thức trưởng thành hay là chưa. Hơn nữa, tôi thích nghĩ rằng, mỗi người nên tự nguyện trong quyết định của họ hơn là bị tác động từ một phía nào khác.

Vì vậy, học sinh của tôi đa số rất ít cái tên đạt được những thành tích cao trong các bảng xếp hạng.

Mất một thời gian dài về sau, tôi bất giác cảm thấy dường như mình đang để tính cách của mình ảnh hưởng quá nhiều đến công việc. Ở lớp hay ở nhà tôi đều là một Nana như mọi người vẫn thường thấy và thường biết. Và có lẽ như đó không phải là một hình mẫu Ms.Nana mà tôi muốn trở thành trong tương lai.

Sẽ thế nào nếu tôi tiếp tục giữ lại những thói quen cũ của mình trong cuộc sống lẫn cả công việc?

Sẽ thế nào nếu tôi lựa chọn làm những gì mình thích và không muốn thay đổi?

Có một điều tôi quan sát được về xu hướng thói quen của chính mình cũng như của những người chung quanh. Nếu chúng ta không tích cực thay đổi, chúng ta chỉ có càng ngày càng tệ hơn chứ không thể tốt hơn. Cho dù đó là bất kể chúng ta làm việc gì.

Chúng ta quen một kiểu phong cách giảng dạy => Học sinh nào cũng giảng dạy như vậy => Không phù hợp và kém hiệu quả.

Chúng ta quen một dạy một kiểu giáo trình => Học sinh nào cũng dùng một giáo trình => Không phù hợp và kém hiệu quả.

Chúng ta quen một kiểu phương pháp giảng dạy => Học sinh nào cũng dạy y chang nhau => Không phù hợp và kém hiệu quả.

Chúng ta quen một kiểu giao tiếp => Học sinh nào cũng giao tiếp giống hệt nhau => Không phù hợp và kém hiệu quả.

Như vậy có một câu hỏi tranh cãi được đặt ra: Giáo viên phải thay đổi để phù hợp với học sinh hay học sinh phải thay đổi để phù hợp với giáo viên?

Cả hai.

Nhưng ở vị trí giáo viên – cầu nối để giúp học sinh bước vào thế giới âm nhạc kỳ hiệu, họ phải là người cần thay đổi đầu tiên. Sự thay đổi của giáo viên là điều rất quan trọng vì nó mang sự ảnh hưởng đến học sinh cực kỳ lớn.

Sự thay đổi, trước tiên hết bắt đầu đến từ sự từ bỏ những gì quen thuộc, bản ngã đã tồn tại bên trong mình. Nhưng Kinh Thánh viết: “Nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hạt thôi; nhưng nếu chết đi, nó được kết quả nhiều.”.

Nếu một người có tính cách hay thiếu kiên nhẫn và vội vàng nhận xét ở ngoài đời, khi bước vào tiết học, họ cần bỏ đi tính cách đó.

Nếu một người có thói quen nói những lời tiêu cực nặng nề với người khác, khi bước vào tiết học, họ cần bỏ đi tính cách đó.

Nếu một người có kiểu áp đặt quan điểm và cầu toàn, khi bước vào tiết học, họ cần bỏ đi tính cách đó.

Sự từ bỏ này không phải mục đích vì bản thân của giáo viên, nhưng mục đích là đem đến điều tốt hơn cho học sinh. Và cuối cùng là để thực hiện sứ mệnh của mỗi người giáo viên, cải tạo một xã hội tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới.

Giáo dục là một lĩnh vực đầy thách thức và khác biệt. Tôi không tán thành với những quan điểm cho rằng giáo viên ở thời đại ngày nay phải nên thế này hay thế kia. Nghiêm khắc hay dễ dãi? Đòn roi hay khuyên nhủ? Rất nhiều mâu thuẫn nảy sinh nếu chúng ta đem đến một câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi.

Chỉ có một điều duy nhất giáo viên có thể làm đó là đến lớp với một trái tim rộng mở. Với mỗi đứa trẻ, giáo viên nên tỉnh táo để nhìn thấy chúng thật sự cần được huấn luyện như thế nào cho chuyến hành trình này. Ưu điểm của chúng là gì. Yếu điểm của chúng nằm ở đâu.

Bản nhạc nào sẽ làm nổi bật thế mạnh của chúng? Kiểu bài tập nào sẽ lôi cuốn hấp dẫn và khiến chúng tập luyện cả ngày? Phong cách học tập nào là phù hợp nhất cho chúng? Những điều này cần giáo viên có thời gian quan sát đối tượng, nhạy cảm với biểu hiện của học sinh và sự dũng cảm để thay đổi chính mình.

Khi hạt lúa mì chết đi, nó sẽ đạt được kết quả nhiều.

Nhật ký của một giáo viên dạy Piano

10.06.2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!