Kết thúc tiết học, tôi chào tạm biệt Sophie và nói với con bé: “Sophie hôn cô một cái nốt tròn xem nào!…”
Sophie choàng tay qua vai tôi và đặt môi nó lên má tôi rồi giữ ở đó thật lâu. Dường như Sophie đã đếm thầm trong đầu 1, 2, 3, 4 để giữ cho cái chạm đó kéo dài như cảm giác về hình nốt tròn mà lâu nay nó đã biết.
Đó chính là sự thành công của phương pháp Dalcroze.
Nhiều người nghĩ rằng, chuyển động trong Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động là thể hiện âm nhạc thông qua cơ thể. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Sự chuyển động của cơ thể không chỉ nhằm mục đích chỉ để thể hiện âm nhạc, nhưng nhiều hơn cả là để cảm nhận âm nhạc một cách sâu sắc và để hiểu về âm nhạc một cách trọn vẹn.
Cách đây gần một tuần, tôi có dịp tổ chức workshop để giới thiệu về Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động cho đối tượng người lớn, mang tên Chuyển Động Tâm Hồn. Có thể nói, hầu hết những người tham gia đều đang hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy âm nhạc hoặc đang học chơi nhạc, và họ đã có tương đối một chút kiến thức về âm nhạc. Tuy nhiên khi chuyển động, đa số đều cảm thấy mới mẻ và lạ lẫm.
Sau một hồi quan sát, tôi nhận thấy sự lạ lẫm của người tham gia phần lớn đến từ việc họ đã bỏ quên đôi tai của mình khi ở trong dòng chảy của âm nhạc. Điều này thật lạ, vì lắng nghe là điều kiện tiên quyết đầu tiên để chúng ta học chơi nhạc nhưng lại rất ít được quan tâm. Và không dưới 10 lần tôi đều phải nhắc, “lắng nghe âm nhạc nào!”
Tong các lớp học Dalcroze, Âm Nhạc được ví như là người giáo viên đầu tiên và Âm Nhạc sẽ “dạy” cho học sinh tất cả những điều học sinh cần phải thực hiện. Ở góc độ học sinh, họ sẽ phải luôn luôn kết hợp lắng nghe + nhận thức đi đôi với nhau để có thể chuyển động một cách hiệu quả.
Vì sao sự nhận thức lại đặc biệt đến thế trong Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động? Hay còn nói nôm na là, vì sao chúng ta cần sử dụng não để chuyển động?
Lý do cơ thể chúng ta được thiết kế với bộ não là vì chúng ta cần bộ não để phối hợp với sự chuyển động để tạo ra những kết nối cơ thể hợp lý và hiệu quả cho mục đích sống. Cây cối không có não nên các cánh rừng đều đứng yên. Loài sứa không có não, nên chúng chỉ trôi nổi theo dòng nước. Khi chúng ta lắng nghe âm nhạc cùng với não bộ, chúng ta mở ra một cánh cửa cho sự nhận thức âm nhạc đi vào chính mình một cách rất hài hoà và tự nhiên.
Nhưng chuyển động với nhận thức không chỉ mang lại cho người học sự nhận biết về âm nhạc mà còn giúp họ kết nối với cảm giác từ bên trong thông qua những sự chuyển động.
Định nghĩa của khái niệm “kinesthetic” (động học) theo Google đó là:
Liên quan đến nhận thức của một người về vị trí và chuyển động của các bộ phận của cơ thể bằng các cơ quan cảm giác (cơ quan thụ cảm) trong cơ và khớp. "động học là học thông qua một hoạt động thể chất" relating to a person's awareness of the position and movement of the parts of the body by means of sensory organs (proprioceptors) in the muscles and joints. "kinesthetic learning through a physical activity"
Như thế, có thể hiểu rằng, việc một người chuyển động sẽ giúp họ xây dựng những cảm giác từ bên trong họ về một sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó. Ví dụ như, khi bước đi kiểu hành quân chúng ta sẽ cảm giác được sự đồng đều, mạnh mẽ. Khi bước đi kiểu mệt mỏi, chúng ta sẽ có cảm giác về sự ì ạch, kéo dài lê thê. Khi bước đi nhanh nhẹn vội vã, chúng ta sẽ cảm giác được sự liên tục và dồn dập.
Các tính từ này sẽ là những viên gạch nền tảng đầu tiên cho quá trình Cảm Thụ Âm Nhạc ở trẻ nhỏ. Vì hơn ai hết, trẻ em là đối tượng lý tưởng nhất tiếp cận thế giới quan một cách trọn vẹn với tất cả những cảm giác mà chúng cảm nhận.
…..
Ở buổi workshop Tâm Hồn Chuyển Động, những người tham gia đều được khuyến khích hãy chuyển động để hiểu về âm nhạc nhiều hơn. Họ có thể sáng tạo những cách di chuyển khác nhau để thể hiện các hình nốt khác nhau. Họ có thể bày tỏ khác nhau nhưng tất cả đều chung một mục đích.
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano
23.06.2022
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.