Những câu hỏi bạn sẽ muốn tự hỏi nếu bạn là một giáo viên dạy Piano
Hiểu rõ đối tượng mình đang giảng dạy là một trong những kỹ năng quan trọng vì mỗi học sinh đều có những tố chất riêng biệt và khác biệt. Tôi tin rằng để thành công trong việc giảng dạy piano, bạn luôn cần có sự quan sát sâu sắc và chậm rãi để có thể nắm bắt những gì bạn cần biết về học sinh của của mình. Từ đó những gì bạn biết sẽ trở thành các công cụ hỗ trợ đắc lực cho hành trình phía trước.
Sự quan sát và phân tích được tích luỹ phần lớn từ kinh nghiệm cá nhân của người giáo viên. Các nhận định có thể đến từ tuổi đời cũng như tuổi nghề. Đó có thể là khoảng thời gian bạn đã giảng dạy bao lâu, đối tượng học sinh của bạn ở những lứa tuổi nào, bạn đã tham gia vào những hình thức lớp học như thế nào, dạy trực tuyến hay là trực tiếp, lớp nhóm hay cá nhân, chuyên môn của bạn là phong cách âm nhạc như thế nào, bạn thường hay tiếp xúc với thể loại âm nhạc gì…
Đôi khi chính từ những trải nghiệm về cuộc sống và con người cũng góp phần cho bạn những góc nhìn rõ ràng hơn về đối tượng học sinh mình giảng dạy. Như là biểu hiện của học sinh thông qua ngôn ngữ cơ thể, cách học sinh đáp ứng trước một số tình huống….vì thế mà đối với một số công việc như nghề giáo viên, bạn càng có thâm niên làm việc bao nhiêu thì kho kinh nghiệm của bạn càng nhiều bấy nhiêu.
Như vậy thì, giáo viên nên hiểu về học sinh ở những điểm nào?
1. Hiểu về tính cách của học sinh
– Mỗi người học đều sẽ có một góc nhìn mang tính cá nhân. Bạn cần hiểu và làm quen với sự khác biệt đó để dần dần tự điều chỉnh cách tiếp cận của bạn nhằm hướng người học đi đến mục tiêu cuối cùng. Hãy chấp nhận với sự khác biệt trong cách trả lời của học sinh. Họ không trả lời theo cách bạn muốn không có nghĩa là họ không hiểu bài. Hãy thong thả, quan sát và dẫn dắt học sinh vào con đường bạn muốn họ đi. Hãy cho họ thêm thời gian. Đôi khi cả không gian, nếu thực sự cần thiết.
– Thông qua cách đáp ứng của học sinh bạn sẽ dần hiểu thêm về cách mà họ tư duy khi tiếp cận một vấn đề. Và từ chính chỗ này, hãy nắm lấy điểm mấu chốt đó để nhẹ nhàng khéo léo đưa quan điểm của bạn vào theo một cách tự nhiên nhất.
2. Hiểu về điểm mạnh và điểm yếu của học sinh
– Có những tác phẩm âm nhạc được viết ra chỉ có thể được trở nên xuất sắc khi vang lên dưới tay của một số nghệ sỹ. Mỗi nghệ sỹ đều có một tố chất riêng để trở nên đặc biệt và khác biệt. Mỗi học sinh cũng vậy. Một số có thể chơi rất chắc chắn, lực bấm ngón tay mạnh mẽ nhưng lại yếu về xử lý sắc thái. Một số khác có thể chơi những bài cổ điển rất hay, nhưng lại không mấy hứng thú khi chuyển sang tập luyện những tác phẩm hiện đại. Hãy chấp nhận việc học sinh của bạn có thể chỉ giỏi ở một khía cạnh nào đó, và nhiệm vụ của bạn là phải tập trung thật nhiều vào những ưu điểm này để giúp học sinh thăng hoa và phát triển hơn trên con đường học nhạc.
Nhiều năm làm việc với các học sinh Piano đã dạy cho tôi bài học về sự thấu hiểu và chấp nhận. Khi tôi bắt đầu không còn cố gắng để điều khiển học sinh làm theo ý mình, đòi hỏi học sinh đáp ứng theo cách mình muốn hoặc yêu cầu học sinh chơi đàn theo đúng những gì mình nghĩ thì niềm vui của công việc giảng dạy đến với tôi một cách rất đúng nghĩa. Trong mỗi tiết học, tôi có thể gặp những cá tính khác nhau, thảo luận về những chủ đề âm nhạc và lắng nghe các học sinh của mình bày tỏ những góc nhìn khác nhau. Sự đa chiều đó cho tôi cái nhìn bao quát hơn, rộng rãi hơn để hiểu về học sinh và rồi cũng chính nó cũng trở thành la bàn để tôi có thể đi theo và lập ra những định hướng cụ thể cho học sinh của mình.
Đây là chuỗi bài viết mình viết về chủ đề “Những câu hỏi bạn sẽ muốn tự hỏi nếu bạn là một giáo viên dạy Piano”. Mình rất mong bạn cũng sẽ đóng góp những câu hỏi mà bạn đã từng, hoặc đang tự hỏi bản thân mình khi bạn làm nghề để rồi mình cũng sẽ tự hỏi chính mình và rồi ngày nào đó những câu trả lời đầy đủ sẽ xuất hiện. Hãy gửi cho mình những câu hỏi đến từ bạn nhé!
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Hi Ngân, chị đồng ý với em những điểm trên. Như học trò của chị, khi được học những bài yêu thích thì tự luyện tập và hoàn thành rất nhanh, còn khi tập Czecny có 3,4 dòng nhạc thôi mà tập với thái độ chán nản và đàn sai tới sai lui cô cũng nản theo. Vậy nên chị cứ cho học xen kẽ bài yêu thích rồi đến bài Czecny để trau dồi thêm kỹ năng cần thiết.
Dạ vâng, đúng là mình phải nương theo những gì đã có sẵn của học sinh để từ đó “đánh lửa” lên một cái gì đó mà mình muốn hướng đến. Thật sự cái này hơi bị khó đó chị hihi…