Nhật ký 43: Tuyết rơi hay Lá rơi?

Tôi nhận thấy học sinh bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi chúng được tiếp cận với các khái niệm âm nhạc thông qua hình ảnh từ cuộc sống.

Phần lớn thời gian trong các tiết học, cả trực tuyến và trực tiếp, tôi luôn khuyến khích học sinh cảm nhận. Tuy nhiên, “cảm nhận” là một cụm từ ghép bao hàm rất nhiều ý nghĩa và căn nguyên. Chúng ta có cùng một cảm nhận khi đi dưới trời mưa không? Sẽ có người thấy ướt át, lạnh lẽo, người khác lại cảm thấy thật lãng mạn. Một số khác sẽ thấy buồn bã vì mưa gợi đến những kỷ niệm không vui, nhưng cũng ngược lại, có người lại thấy hào hứng vì mưa đem đến sự mát mẻ. Vì thế, khi lắng nghe các cảm nhận của học sinh, tôi luôn cởi mởi để lắng nghe và để các bạn bày tỏ thoải mái những gì các bạn có thể hình dung được thông qua những hình ảnh đến từ âm nhạc.

Đặc biệt trong chủ đề giảng dạy về kỹ thuật, tôi chú trọng rất nhiều đến sự khác biệt về “tính chất hình ảnh” mà các kỹ thuật có thể mang lại cho âm nhạc. Vì tôi tin rằng, không gì có thể tác động mạnh mẽ đến sự thành công trong việc tập luyện kỹ thuật của học sinh bằng việc học sinh có thể hiểu được tính chất hình ảnh của kỹ thuật đó. Vì sao một người phải gò ép chính mình tập luyện câu chạy legato chùm 5 trong bản Valse A Minor Chopin cho thật hay thật mượt nếu như họ chưa từng nhìn thấy được vẻ đẹp sâu thẳm của hình ảnh được thể hiện bên dưới câu nhạc đó là gì?

Âm nhạc thật sự chính là bóng hình của cuộc sống. Nếu như học sinh chỉ chú trọng đến việc mài dũa mười ngón tay để chơi kỹ thuật cho thật điêu luyện nhưng lại chẳng thể cảm nhận những gì họ đang thể hiện thì có lẽ giáo dục âm nhạc đã bị đánh mất đi 90% giá trị rồi.

Riêng chỉ với chủ đề về Legato, sẽ có muôn vàn hình ảnh để học sinh có thể cảm nhận. Cách đây ba ngày trong tiết học với một cô bé 12 tuổi bước đầu học chơi Legato, sự tò mò muốn hiểu được cách cô bé này có thể cảm nhận như thế nào về Legato đã thôi thúc tôi đặt câu hỏi:

“Con nghĩ xem, hình ảnh nào ở cuộc sống chung quanh con khiến con nghĩ có thể giống với Legato?”

Khuôn mặt cô bé dài ra sau lớp khẩu trang và ánh mắt cô rút lại dưới cặp kiếng.

“Hm….đó có thể là câu hỏi khó…Hoặc thế này đi, những chuyển động nào ở cuộc sống chung quanh con có thể làm con liên tưởng giống như Legato, sự kết nối trong âm nhạc?” – Tôi giải thích chi tiết hơn.

Nhưng cô bé vẫn suy nghĩ.

“Nếu chiếc là rơi thì sao nhỉ? …” – Tôi gợi ý từ một ý nghĩ xuất hiện rất đột ngột khi tôi nhìn ra ngoài sân.

“Ý cô là âm thanh của chiếc lá rơi á? ” – Câu hỏi phát ra từ sâu lớp khẩu trang.

“Không, chuyển động của chiếc lá rơi, như thế này…” – Vừa nói tôi vừa ứng tác một câu nhạc với legato ngay trên đàn. “Nó có giống như âm nhạc với legato không?”

“Có ạ…” – Cô bé trả lời tôi.

“Vậy nếu như không có legato, chuyển động của nó có còn giống chiếc lá rơi nữa không?” – Vừa nói tôi vừa chơi lại câu nhạc lúc nãy bằng các nốt nhạc tách rời.

“Không ạ…” – Cô bé lắc đầu đáp lời tôi.

“Vậy nó có thể giống với gì nhỉ? …Tuyết rơi chăng? Theo con thì tuyết rơi sẽ được chơi trên đàn như thế nào?” – Tôi hỏi và mong chờ…

“Nó cứ chơi vậy thôi!” – Cô bé đáp lại cụt ngủn và cũng không có ý đưa ra ví dụ gì cụ thể cho tôi.

Tuy nhiên, tôi hiểu phần nào đó sự cảm nhận về tính chất hình ảnh đã được đưa vào đầu học sinh của mình một cách tự nhiên như chính tự nhiên, tuyết rơi và lá rơi. Tôi hỏi tiếp:

“Như vậy, legato và non-legato, theo con, những cái này xuất hiện có ý nghĩa gì?”

“Để làm cho âm nhạc hay hơn ạ…” – Câu trả lời rất nhanh gọn

“Nhưng cái này sẽ làm cho âm nhạc hay hơn, có phải legato không?” – Tôi lại tiếp tục hỏi

Sự im lặng nặng trĩu kim giây.

“Con hình dung xem, nếu như cả một bản nhạc người ta cứ kéo violin theo kiểu legato mãi thì âm nhạc sẽ trở nên mệt mỏi ê a đến mức nào. Hoặc nếu người ta cứ chơi các nốt nhạc giống nhau, thì bản nhạc sẽ trở nên nhàm chán đến mức nào…Cả legato và non-legato ở đó để góp phần khiến cho âm nhạc hay hơn, hấp dẫn hơn, phong phú hơn. Ngay cả trong tự nhiên cũng vậy, con nhìn thấy lá rơi và con biết mùa thu đã đến. Tuyết rơi, nghĩa là mùa đông đã về. Cả hai cái đều hiện diện ở đó để chúng ta có thể nhìn thấy vẻ đẹp của tự nhiên và sự biến chuyển của cuộc sống tươi đẹp…”

Tôi cũng không biết vì sao mình lại cao hứng để trình bày về chủ đề này đến vậy, nhưng trong sâu thẳm tôi tin rằng: Nếu như học sinh của mình chưa “chạm” được vào cái ý nghĩa chân thực nhất của âm nhạc, thì mãi mãi các bạn chỉ là những người thợ đàn, chơi như một cỗ máy, không hơn.

Nhật ký của một cô giáo dạy Piano

12.03.2023

2 Replies to “Nhật ký 43: Tuyết rơi hay Lá rơi?”

  1. hay quá em, mong em sẽ luôn cập nhật những bài học kinh nghiệm như thế này để chị và các giáo viên có thể tham khảo và cải thiện phương pháp dạy ngày một tốt hơn. Cám ơn chia sẻ của em .

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!