NGƯỜI VIỆT CÓ CẦN “GIEN” ĐỂ NGHE NHẠC CỔ ĐIỂN?
Từ ngày bước chân đến trời Âu, có 2 lần mình được ngồi nghe nhạc cổ điển được trực tiếp chơi bởi những nghệ sỹ phương Tây. Một là “Le quattro stagioni” của Antonio Vivaldi (hình bên dưới bài viết được mình chụp từ ghế khán giả) và hai là “Goldberg Variations” của J.S.Bach.
Âm nhạc tuyệt đẹp với kỹ thuật tinh xảo đến tuyệt vời dưới những ngón tay được đào tạo chuyên nghiệp có thể thật sự khiến những người nghe khó tính nhất cũng phải cảm thấy rưng rưng hàng mi.
Nhạc cổ điển là như vậy, nó không đến và đi một cách đơn thuần như nhạc Pop. Càng không mang lời ca bóng bẩy nhưng lại để cho người nghe rơi vào những suy tưởng, chiêm nghiệm mà cứ mỗi khi họ nghe lại, thứ gì đó mới mẻ lại vỡ ra.
Hai buổi tối hôm ấy, mình là người Châu Á nhỏ bé hiếm hoi ở giữa những hàng ghế khán giả chỉ toàn là những người da trắng mắt xanh với trang phục lịch thiệp và dáng điệu nhã nhặn. Họ đều đến từ những tầng lớp trí thức và rất trí thức. Như mùi nước hoa cũng có thể làm toát ra thứ khí chất ấy.
Mình thì khác họ. Mình là một đứa trẻ lớn lên từ một khu chợ ầm suất ồn ào. Âm nhạc chung quanh mình từ năm 0 tuổi đến 8 tuổi chỉ là những gì gắn bó đời thường nhất với người Sài Gòn những năm chín mấy: Cải lương, nhạc Hoa lời Việt, nhạc Vàng nhạc Đỏ, nhạc Pop tình yêu…
Nhưng mọi thứ thay đổi khi mình bước chân vào Nhạc Viện.
Đứng trước cửa phòng tập là mình có thể nghe thấy tiếng kèn Trumpet của ai đó từ lầu trên. Ngang phía toà nhà đối diện là giọng Soprano của một chị Thanh Nhạc nào đó đang tập hát. Trên hành lang, mình nhìn thấy anh bạn cùng lớp ngồi chơi Guitar một bản cổ điển. Dáng người ốm ốm khiến anh trông như một nghệ sỹ thật thụ, nếu như hành lang hôm ấy là sân khấu chỉ của riêng anh.
Cứ như thế cho đến hôm nay, mình đã ở trong thế giới của Âm nhạc cổ điển sâu đến mức nào mình cũng không thể tính được.
Giáo dục và Môi trường đã đưa mình vào tình yêu dành cho âm nhạc cổ điển, dù không cần phải uống một ly rựu vang hay phải thức dậy ở giữa một toà lâu đài.
Tất cả những nghệ sỹ tài năng đến từ Việt Nam thành công trong lĩnh vực Âm nhạc cổ điển cũng đã ở trong một môi trường được giáo dục và rèn luyện rất sớm để chinh phục được đỉnh cao của họ.
NS.Đặng Thái Sơn 16 tuổi – Nhạc viện Tchaikovsky
NS.Bùi Công Duy 10 tuổi – Trường Trung cấp Âm nhạc Moscow
NS.Lưu Hồng Quang 17 tuổi – Học viện Âm nhạc Quốc Tế Úc
NS.Lưu Đức Anh 18 tuổi – Nhạc viện Hoàng gia Liège, Bỉ
…và có thể còn nữa những nghệ sỹ gốc Việt được sinh ra từ những ngôi nhà nói tiếng Việt. Được lớn lên từ những bữa ăn mẹ nấu với canh chua thịt kho tộ và được vây quanh với âm nhạc mỗi ngày.
Hãy nghe nghệ sỹ Pianist gốc Việt, Nguyễn Vân Anh nói về trải nghiệm âm nhạc thời thơ ấu của cô từ trong gia đình: https://doanhnhansaigon.vn/nghe-si-goc-viet-nguyen-van…
Hay như Cường Vũ – nghệ sỹ Trumpet, G.S nghiên cứu Jazz tại Đại học Washington, người Việt Nam đầu tiên có trong tay 2 giải Grammy. Đã bắt đầu hành trình của mình với cây kèn Trumpet, một món quà sinh nhật đặc biệt từ mẹ của anh: https://en.wikipedia.org/wiki/Cuong_Vu…
—-
Cuối tuần vừa rồi, có thể chúng ta đã nghe từ nhà hàng xóm giọng ai đó đang hát Karaoke một bản nhạc chẳng phải là Opera.
Ngồi xuống uống ly cà phê, lọt vào tai chúng ta là giọng của ca sỹ nào đó với kiểu âm nhạc rất Tây…Nam Bộ.
Phải, có thể chúng ta đang bị “nhào nặn” gu nghe nhạc từ xã hội, đại chúng, truyền thông…và có thể ngay từ trong “gien” chúng ta đã tồn tại sẵn.
Nhưng, chúng ta vẫn có thể tự nhắc rằng Giáo dục và Môi trường vẫn là yếu tố mạnh mẽ có thể khiến bất kỳ ai trong chúng ta chuyển hoá và thay đổi.
Vì chắc chắn là:
“Khi lượng đã thay đổi đến một mức độ nhất định, chất cũng sẽ thay đổi.”
Câu hỏi dành cho phụ huynh:
- Bạn thường hay nghe những bản nhạc như thế nào? Những bản nhạc nào là bản nhạc yêu thích của bạn?
- Nếu được chia sẻ với con một bản nhạc bạn yêu thích, bạn sẽ chọn bản nhạc nào?

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.