Đừng Chỉ Tập luyện Piano Hôm Nay!

Năm 1968, tại thế vận hội Olympic Mùa hè ở Mexico, vận động viên người Mỹ 21 tuổi, Dick Fosbury, từ một kẻ vô danh không ai biết đã đi vào lịch sử và nổi tiếng thế giới sau khi thực hiện cú nhảy cao hơn 2.24m với một kỹ thuật không hề giống ai để giành lấy tấm huy chương vàng danh giá.  

Báo chí ca ngợi, truyền thông dậy sóng và các nhà chuyên môn thì nghi vấn về tính khoa học trong cách làm của ông. 

Là một sinh viên ngành kỹ thuật, Fosbury nắm rõ về các sự chuyển động vật lý.  Việc ông tìm ra một mái vòm ảo ở giữa cú nhảy qua sào để tiếp đất bằng lưng kết hợp với cách lợi dụng trọng lực của trái đất đã giúp chàng trai trẻ năm ấy đạt được thành tích đáng nể trong Olympic năm 1968 khiến các nhà chuyên môn lão luyện nhất cũng phải kinh ngạc.  Sự liều lĩnh mạo hiểm của chàng sinh viê ngành kỹ thuật năm nào đã thay đổi lịch sử môn nhảy cao mãi mãi từ ngày hôm ấy.  Không những đem về chiến thắng cho mình, Fosbury còn đóng góp cho môn thể dục thể thao này một kỹ thuật mới, giúp các vận động viên ngày nay chinh phục những cây sào cao hơn và cao hơn của 2.24m của ông ngày xưa.  

Tôi nghĩ, trên tất cả các lĩnh vực, chúng ta cũng luôn mong muốn đạt được những kỹ thuật cao nhất, để có thể mang đến những màn “trĩnh diễn” đẹp mắt như Fosbury đã thực hiện.  Trong tập luyện Piano cũng vậy, có người chơi nhạc nào không mong ước nhìn thấy những ngón tay mình được bay bổng trên phím đàn vang lên những giai điệu mình yêu thích? 

Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta có thể đạt được những gì chúng ta muốn trong âm nhạc? 

Piano là một môn nghệ thuật không đơn giản với việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng.  Trong cuốn “What every pianist need to know about the body”, tác giả Thomas Carson Mark nhận định rằng, “Chơi Piano là một hoạt động phức tạp nhất của cơ thể con người.  Nó không chỉ đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn của trí não, các chi tay chân và cả sự chuyển động nhịp nhàng của cơ thể.”   

Có thể nói, để có thể tạo ra các âm thanh hay và đẹp cũng như làm chủ được phím đàn, người chơi Piano không chỉ nên cố gắng chăm chỉ tập luyện nhiều giờ liền mà còn nên dành thời gian cho một số những yếu tố quyết định khác, như: 

1.Tìm hiểu về các phần liên quan đến tập luyện

Chơi Piano không chỉ đơn thuần là việc nhấn xuống phím đàn vang lên âm thanh.  Nó là một chuỗi tất cả các chức năng bên trong con người được làm việc cùng một lúc, bao gồm cơ thể, trí não và cả tâm lý. Sử dụng lực cánh tay như thế nào để chơi đàn không bị mỏi? Tư thế ngồi như thế nào để cơ thể có thể hỗ trợ tốt nhất cho bàn tay? Phím đàn nên được chạm như thế nào để vang lên các cường độ âm thanh khác biệt? Làm thế nào để chơi được ở tốc độ nhanh mà không thấy gấp rút? Vv…Những điều này, người tự học chơi Piano thường không mấy quan tâm.  Nhưng trên thực tế, tìm hiểu và áp dụng đúng những điều này, sẽ mang đến hiệu quả rất to lớn cho việc tập luyện Piano, ngay cả đối với người tự học và giáo viên trong công tác giảng dạy. 

Cách đây 5, 6 năm, khi mới bắt đầu chơi thể loại Ragtime, tôi thường cảm thấy rất mỏi và tê cứng phần tay trái khi phải di chuyển quãng tám liên tục.  Sự thiếu hụt hiểu biết về chuyển động của cánh tay và ứng dụng sai phương pháp tập luyện đã đẩy tâm lý tôi đến tình huống chán nản và cuối cùng là bỏ dở nó.

Đối với các giáo viên có chuyên môn, họ gọi đây là kỹ thuật.  Tuy vậy, từ ngữ “kỹ thuật” trong giảng dạy Piano thường hay bị biệt lập về những thứ chỉ liên quan đến ngón tay hoặc bàn tay, hoặc cánh tay.  Trong khi đó, Pianist không chỉ chơi các phím đàn với mười ngón tay.  Họ chơi với toàn bộ cơ thể. Việc quan điểm rằng chơi đàn chỉ sử dụng mười ngón tay đã phần nào hạn chế đi ý nghĩa đầu đủ về “kỹ thuật” mà người học Piano cần phải có. 

2. Nghe và Nghe có chủ đích 

Như nghệ sỹ Steinway, Benjamin Loh đã nói trong buổi trò chuyện với tôi: “Bạn càng nghe nhiều bao nhiêu, nó sẽ càng thân thuộc với bạn bấy nhiêu.  Bởi vì âm nhạc chính là ngôn ngữ.” – Điều này thật sự rất chính xác về mặt khoa học.  Như một đứa trẻ lên ba, nếu môi trường chung quanh trẻ có sự xuất hiện càng nhiều những cuộc hội thoại, các từ ngữ, thì càng dễ dàng để thúc đẩy cho quá trình trẻ tập nói.

Nhưng trên một tầm cao hơn, việc nghe có chủ đích là khi người nghe hướng sự nghe của cá nhân vào âm nhạc hoàn toàn.  Nếu một người vừa nấu ăn vừa nghe nhạc, hoạt động nghe nhạc của họ thời điểm này không có tính chủ đích, vì âm nhạc trong hoàn cảnh này như là một phương tiện để người nghe có thể đạt được một cảm xúc cụ thể.  Nhưng đối với người tập trung sự lắng nghe và xem một tác phẩm như là một chủ thể có hình thù, họ sẽ hướng tai nghe và tâm trí vào tác phẩm một cách hoàn toàn để có thể phân tích và nhìn thấy vẻ đẹp của nó.

Những tác phẩm ở các thời kỳ khác nhau đều được các nhà soạn nhạc viết và biểu diễn với các phong cách khác nhau.  Người chơi Piano chỉ khi quen được màu sắc riêng biệt của từng thời kỳ âm nhạc, của mỗi tác giả, mới có thể chơi ra được cái “chất” của tác phẩm.  Và để đạt được hiệu ứng của quá trình này, n-g-h-e có chủ đích là một yếu tố không thể tách rời.  

3. Sống và Sống trọn vẹn 

Nghệ sỹ sẽ không thể nào diễn tả được trọn vẹn nỗi niềm tình cảm sâu kín của Beethoven trong For Elise nếu như họ chưa từng biết đến cảm giác yêu đơn phương trong cuộc đời.  Hoặc như cơn gió lạnh và mùa đông ở Châu Âu khiến người ta phải siết hai hàm răng vào nhau như Vivaldi đã viết trong Chương I của bản giao hưởng Mùa Đông nổi tiếng…Và nhiều nữa những ý tứ âm nhạc khác trong kho tàng âm nhạc cổ điển cho đến hiện đại ngày nay của thế giới.  

Nếu như phải giam mình trong bốn bức tường và gắn chặt mình trên chiếc ghế đàn suốt tám tiếng đồng hồ, liệu người chơi đàn có thể cảm nhận và thể hiện được tác phẩm một cách sâu sắc như đáng phải có?  

Nhiều phụ huynh thường mong muốn con trẻ tập luyện nhiều hơn nên hạn chế thời gian chúng bước ra khỏi nhà và đến với các hoạt động xã hội. Sự bảo bọc này có thể đúng về mặt an toàn cho trẻ, nhưng lại không ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển về tâm lý và nhận thức của trẻ. Vì thế, muốn trẻ em được lớn lên bình thường và khoẻ mạnh cả về tâm hồn lẫn thể xác, phụ huynh nên điều chỉnh và cân bằng được các yếu tố trong đời sống trẻ khi ở tuổi ấu thơ.

Theo tôi, cảm xúc là thứ không thể học được và những trải nghiệm trong đời thật luôn đắt đỏ để có thể mua.  Bên cạnh những ngón đàn kỹ thuật điêu luyện, nếu người chơi Piano thiếu đi cảm xúc đến từ bên trong trái tim của họ thì thật là một sự thiếu hụt không đáng có.

4. Đánh giá lại công việc 

Từ ngày thực hiện các livestream với các chuyên gia, tôi rất hào hứng.  Tôi viết email gửi đến cho nhiều người, hồi đáp và sắp xếp tất cả mọi thứ nhanh nhất có thể.  Buổi livestream diễn ra, tôi vẫn giữ phong thái hào hứng đó để đón nhận mới thứ cho đến khi nó kết thúc.  Nhưng, mấu chốt ở chỗ này: Sau khi thực hiện xong các livestream, tôi không dám xem lại chính mình. 

Tôi sợ, tôi ngại, tôi xấu hổ.  

Cũng đồng nghĩa với việc, tôi mất đi cơ hội quan sát bản thân mình qua một cái nhìn ở chủ thể thứ ba để có thể học được từ chính những gì tôi đã làm.  

Các học viên Piano của tôi cũng thế, họ thường ham thích sẽ nhanh chóng chơi được một bản nhạc mình yêu thích.  Mong muốn này không có gì sai.  Tôi luôn thích nghe học sinh mình nói về việc họ yêu thích những bản nhạc như thế nào và rất nóng lòng chơi được những bản nhạc ấy.  

Nhưng, quá trình tập luyện một nhạc cụ có một bước mà thường rất nhiều người bỏ quên, mà tôi cũng từng bỏ quên. Đó chính là đánh giá – reflection. 

Khi dám đối mặt với chính những gì đã làm và đánh giá lại những phần tốt và chưa tốt mình đã chơi cũng như đưa ra những mục tiêu cụ thể để dần hoàn thiện hơn trong quá trình tập luyện, người học chơi Piano sẽ có bước tiến bộ vô cùng nhanh chóng.  Tuy nhiên, để có được một cái nhìn chuẩn mực trong quá trình tập luyện, chúng ta có thể thiết lập những chuẩn mực này thông qua việc lắng nghe có chủ đích, hoặc cần có một giáo viên, một người hướng dẫn để hỗ trợ chúng ta trong việc đánh giá chính xác nhất. 

Kết.

Fosbury trước khi nổi danh với kỹ thuật mang tên mình, những người xung quanh ông và cả huấn luyện viên đều nhận xét: Ông là một người chẳng có tài năng gì trong bộ môn nhảy cao.  Không thể đáp ứng được với những phương pháp cổ điển và thành tích thi đua cũng chẳng có gì đáng nổi bật, Fosbury dường như vô cùng mờ nhạt trong Thế Vận Hội ở Mexico năm 1968.  Nhưng sau khi thực hiện cú nhảy thần kỳ đó, Fosbury đã thay đổi lịch sử nhảy cao mãi mãi.  Từ hôm ấy, ông đã tạo cảm hứng cho những thế hệ vận động viên trẻ của thế giới với mong muốn chinh phục những mức xà cao và cao hơn nữa trên đấu trường.  

Vì thế, nếu như ngày hôm nay bạn đã ngồi ở ghế đàn hàng giờ đồng hồ nhưng kết quả vẫn không thay đổi, tôi muốn đề nghị bạn, hãy dừng tập luyện lại một chút và làm điều gì đó khác biệt, điều kỳ diệu có thể bắt đầu xảy ra với bạn ngay hôm nay đấy!

One Reply to “Đừng Chỉ Tập luyện Piano Hôm Nay!”

  1. Dear sister, I hope to have a chance to connect with you. I’m discovering your blog and found it very inspiring. I’m 23 now and start to consider the piano path. My parents took me to piano class when I was small, but I never took piano seriously. And now with a degree and some experience of working in finance, it makes me realize I want to do something else, because I’m not happy with what I’m doing now. Digging into old memories, a question popped up in my mind: “Do I still have a chance with the piano?” I remember always loving the sound of the piano and how much I appreciate classical pieces. But now at 23, can i set a goal of building a career out of it? Is it too late? How long does it take me to become a good (and certified) pianist? The little hope I’ve got now is the compliments of my teachers in the past that I seemed to be a kid with the aptitude for music and I might, get potential in it. As I was doing some research I came across your little blog and I’m loving it. Hope it’ll shed some light on my decision, still I hope to connect with you personally and talk to you more about a career in piano. Wish you all the best Ngan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!