Tip #8: Bạn có nhớ trò nhảy lò cò?

        Tôi dám chắc rằng trong số chúng ta, ai cũng đã từng chơi nhảy lò cò một lần khi còn ấu thơ.  Trò chơi rất thông dụng này cách đây hơn một thập kỷ trước đã tập luyện cho mỗi chúng ta cách đếm số theo thứ tự từ ít đến nhiều, cách nhảy đúng vào ô chỉ bằng một chân.  

Ngày hôm nay, với ý tưởng từ trò nhảy lò cò ngày xưa, tôi muốn chia sẻ một trò chơi (nếu như bạn đang dạy hai chị em), hay cũng có thể là một hoạt động (nếu như bạn chỉ đang dạy một trẻ).   Cách chuẩn bị và thực hiện rất đơn giản, nhưng vô cùng hiệu quả.

Mục tiêu: 

– Nhớ ký hiệu nốt nhạc 

– Nhớ tên Solfe của nốt nhạc 

– Nhớ vị trí của 7 nốt nhạc trên 7 phím đàn 

– Hát 7 bậc của cao độ chính xác

Chuẩn bị: 

– Phấn trắng 

– Sân gạch

– Một vài mẫu câu nốt nhạc có sẵn 

– 2 học viên nhỏ tuổi (khoảng 7 tuổi trở xuống) 

Cách thực hiện: 

Vẽ bảy phím đàn bao gồm cả phím đen lên mặt sân bằng phấn trắng.  

Giáo viên sẽ đưa ra cho người chơi một mẫu cao độ gồm 3 đến 4 nốt nhạc. (vd: CEFG, GFED…) 

– Trẻ có nhiệm vu đọc to câu nhạc đó lên bằng tên Solfe của nốt nhạc (vd: Đồ Mi Fa Sol, Sol Fa Mi Rề…) 

– Sau đó trẻ phải vừa nhảy vào phím đàn có chứa nốt nhạc đó theo thứ tự vừa phải hát  đúng cao độ của câu nhạc giáo viên đã đưa. 

– Trẻ sẽ nhận được một điểm cho mình khi thực hiện các nhiệm vụ trên một cách xuất sắc.

Hai ban nhỏ đang cùng nhau thực hiện hoạt động nhảy lên các phím đàn

Kết quả: 

– Trò chơi nghe qua đơn giản này lại khiến cho những học viên nhỏ tuổi của tôi rất phấn khích.  Mỗi lần thực hiện xong một câu nhạc chính xác, tôi yêu cầu chúng nhặt một chiếc lá và cuối cùng ai là người có trong tay nhiều lá nhất sẽ là người được phần thưởng.   Nhưng về sau, tôi luôn thường thưởng cho cả hai.

– Một trong những thứ tôi thích nhất ở trò chơi này là trẻ được luyện tập đọc nốt theo đúng cao độ.   Dường như việc nhảy vào các phím đàn khiến bọn trẻ cảm giác như chúng đang đánh trên các phím đàn thực sự vì thế đa số đều đọc khá chính xác các cao độ nốt nhạc. 

* Hoạt động này có thể được sử dụng vào giữa buổi học Piano để tránh đi sự nhàm chán khi phải ngồi quá lâu trên đàn.  Với trò chơi này, trẻ cũng có những giờ phút thư giãn tâm trí thoải mái trước khi trở lại học các kiến thức âm nhạc khác và đặc biệt, rất phù hợp với lứa tuổi từ 4 đến 7 tuổi.    

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!