“Con bé học đàn với em như thế nào? …vì chị thấy nó học chữ với chị rất là khó luôn đó…”
Tôi nhận được lời nhận xét từ những giáo viên dạy bộ môn khác của học viên mình đại loại là như vậy. Bản thân tôi, khi còn là học sinh trung học cũng thuộc dạng không mấy xuất sắc của lớp. Mọi người chỉ biết đến tôi giống như một đứa học văn hóa thường thường và biết chơi đàn Organ, chỉ thế thôi. Vậy nên, khi nghe về học viên của mình không giỏi về những bộ môn khác cũng không làm tôi bất ngờ là mấy.
Nếu vậy thì, phải chăng âm nhạc có sức mạnh?
Âm nhạc đã xuất hiện trước khi ngôn ngữ được ra đời. Những khảo cổ lịch sử cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy trước khi biết đọc và viết, con người đã biết tạo ra âm thanh bằng những vật dụng thô sơ như đá, thân cây, lá cây…Có thể nói, mỗi con người khi sinh ra đều đã mang trong mình bản năng về âm nhạc. Bản năng này tự nhiên đến nỗi không cần phải học, một đứa trẻ cũng biết tự đung đưa theo tiếng nhạc, không qua một trường lớp nào, một chàng thanh niên cũng có thể huýt sáo tạo thành một giai điệu nghe vui tai. Vậy thì, khả năng về âm nhạc chỉ là đang ẩn trong mỗi cá nhân theo những biểu hiện bên ngoài khác nhau mà chưa có đủ điều kiện để bộc lộ.
Nhiều phụ huynh nói chuyện với tôi sau một vài buổi học, họ hỏi (theo tôi là rất ngây ngô) như sau:” Cô ơi, cô thấy bé học đàn có được không?”, tôi thú thực không biết phải nói thế nào vì trong mắt tôi quả thật tất cả học viên đều có khả năng học đàn, mà trả lời theo đúng câu hỏi đó là: Đều có thể học được. Nhưng khả năng, là thứ dựa trên bản năng đã có sẵn chỉ là điều kiện cần, muốn đạt được thành công trên con đường âm nhạc, cá nhân đó phải đáp ứng một số điều kiện “đủ” khác nữa.
Thứ hai vừa rồi, tôi đến dạy cho hai chị em Nu và Coca, nói là dạy nghe cho nó oai phong là vậy, thời gian chính ở đó tôi chỉ chơi với hai đứa là nhiều. Nu của tôi là một cô bé rất ngộ nghĩnh, con bé theo như lời kể của giáo viên dạy thêm là rất mất tập trung và không thể ngồi học được quá mười lăm phút. Nu cũng giống như thế trong buổi học Piano với tôi, con bé kể với tôi những chuyện linh tinh và nói nhiều câu vô nghĩa với ngữ pháp cứ chồng chéo lên nhau, những lần như vậy tôi chẳng hiểu gì nên cứ cười đại rồi lại tiếp tục với nhiệm vụ của mình. Thứ hai hôm ấy tôi bày cho Nu một trò chơi về tiết tấu, với cách chơi đơn giản là xếp các hình nốt tiết tấu theo đúng với tổng số chấm trên hai hạt xí ngầu được lắc ra. Tôi quan sát Nu, vẫn như vậy, mất tập trung và làm những việc linh tinh không mấy liên quan, trả lời sai những phép tính căn bản như 3 + 4 = 5 chẳng hạn….Nhưng khi trò chơi bắt đầu đòi hỏi sự tập trung để tính toán khi con số lên đến hàng chục, con bé bắt đầu nghiêm túc thật sự. Ánh mắt của Nu ngập tràn ý chí chiến đấu và sự quyết tâm phải tìm cho ra đáp án. Đến đoạn phải vỗ tay cho đúng tiết tấu thì mới được tính điểm, Nu làm tôi bất ngờ vì độ tập trung của nó. Đó là chưa kể những lúc tập luyện phải chơi cả hai tay với hai khóa nhạc khác nhau, con bé đều cố gắng tập trung để thực hiện thật tốt đoạn nhạc đó. Điều gì lại tao động lực cho Nu đến như vậy? Những chuyển biến tâm lý nào đã xuất hiện bên trong Nu khiến cho em thay đổi?
Và…phải chăng âm nhạc có sức mạnh?
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano
22.03.2017

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Xin lỗi vì chỉ đề không liên quan. Sau khi tìm hiểu, mình biết cô là 1 người tâm huyết với nghề. Mình muốn theo cô học piano, mình có thể liên hệ với cô như thế nào. Cô có thể gởi thông tin lớp học cho mình qua địa chỉ mail anhnhan_td@yahoo.com cám ơn cô rất nhiều
Hi Anh Nhân!
Nhận được comment của bạn thật là vui quá. Cảm ơn vì những lời động viên từ Nhân, mình cũng chỉ là làm hết sức để biến những buổi học Piano trở nên vui nhộn và chất lượng. Mình sẽ gửi email cho bạn trong nay mai. Mong bạn sẽ tiếp tục theo dõi những bài viết của mình trong thời gian tới nghen!