Nỗi cô đơn của các số nguyên tố.

Tựa đề cuốn sách làm tôi mường tượng về nỗi ám ảnh của quá khứ, môn Hóa Học.  Nhưng kỳ lạ là, nội dung bên trong cuốn sách màu xanh lá cây ấy lại mang đến cho tôi những nghĩ suy về những người bạn nhỏ..
 
Trường học có công bằng không?
 
Lớp học có là một xã hội thu nhỏ, nơi công lý được thực thi và các công dân được sống vui vẻ hạnh phúc ở đó không?
 
Năm 15 tuổi tôi bị một thằng to con trong lớp bắt nạt.  Nó ghét tôi như người ta ghét một thứ bệnh dịch có thể bị lây lan nếu như phải đứng gần trong bán kính 100 centimet.  Cách nó lộ liễu thể hiện sự miệt thị đấy càng khiến bản thân tôi cảm thấy dường như mình chẳng là một sinh vật hiện hữu nào đang tồn ở trường cả.  Cộng thêm rất nhiều yếu tố khác, bạn bè, ngoại hình, năng lực, quả thật quãng thời gian đó là một cơn ác mộng kéo dài nhất thời đi học tôi từng có.  Cô giáo chủ nhiệm của tôi rất bận rộn với nhiều trách nhiệm, sổ sách, điểm số, giáo án, các phong trào thi đua, các danh hiệu, gia đình và con cái…dù đã biết vấn đề của tôi nhưng không bao giờ cô có có thể giải quyết nó triệt để.
 
Sau này khi trở thành một giáo viên, tôi luôn đặt mắt mình vào những đứa trẻ ít nói trong lớp trước tiên.   Thú thật rằng, phần nào tôi đã không công bằng với tất cả.  Nhưng tôi biết mình đã không-công-bằng-trong-cái-công-bằng.
 
Nếu như trường học không phải là nơi trẻ cảm thấy được đối xử công bằng nhất thì nơi đó không nên được định nghĩa là trường – học.
 
Giáo viên chúng ta thường hay bị rơi vào lối định kiến cũ kỹ là học sinh nào chăm chỉ học bài, đạt điểm tốt là ngoan, học sinh nào quậy phá nghịch ngợm, lười học thì là hư. Và bởi vì thế nên trong tiềm thức, tình cảm của chúng ta dành cho những đứa trẻ biết nghe lời, biết thực hiện tốt những yêu cầu của giáo viên, có tác phong nề nếp nghiêm túc vv…vv… luôn được ưu ái hơn là những đứa trẻ khác. 
 
Nhưng công bằng mà nói, bản chất của giáo dục chính là sự cải tạo phần “con” trở thành phần “người” hoàn chỉnh, chính những đứa trẻ “khác” đó, mới là đối tượng cần được giáo dục, cần được quan tâm hơn cả.
 
Dưới góc nhìn của tôi, để trường học có thể trở thành một nơi công bằng và chốn bình yên cho tất cả học sinh, 4 điều dưới đây thật sự cần được chú trọng:
 
#Không phán xét 
 
Sự phán xét vội vàng từ giáo viên khiến trẻ nhận định sai lầm về khả năng của chúng.  Trong một nghiên cứu khoa học cho thấy, giữa một đứa trẻ luôn được nói về những điều tích cực, được khen ngợi (có chọn lọc) về khả năng của mình với một đứa trẻ luôn bị chê trách và nói những điều tiêu cực vì đi điểm số thấp kém thì trường hợp đầu tiên luôn luôn đạt được kết quả học tập tốt hơn so với trường hợp còn lại.
 
#Không phân biệt đối xử 
 
Chúng ta hay nhận định con người qua hình thức bề ngoài. Ngay cả khi làm giáo dục, đôi khi vẻ bề ngoài của một học sinh cũng khiến ta cũng dễ dàng nhận định rằng về năng lực và tính cách của học sinh đó. Việc này để lại ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động dạy dỗ của ta đến trẻ, từ đó lại ảnh hưởng một cách gián tiếp đến quá trình phát triển của trẻ.  Đã làm giáo dục thì tất cả đều phải được yêu thương giống như nhau, đó phải là sứ mệnh.  
 
#Tạo ra một môi trường trong sạch 
 
Học sinh của chúng ta hôm nay sẽ là những công dân của thế giới tương lai.  Nếu muốn xã hội 20 năm nữa của chúng ta trở thành như thế nào thì cũng hãy dạy dỗ học sinh của chúng ta trở thành giống như vậy. Chúng cần được lớn lên trong một môi trường lành mạnh, hòa thuận và giúp đỡ nhau.  Yêu thương và đối xử với nhau như những con người bình đẳng.  
 
#Tôn trọng sự khác biệt 
 
Đây là một phạm trù cần được hiểu đúng đắn để phát huy được tối đa sức mạnh của nó.  Chính giáo viên cũng phải tôn trọng sự khác biệt của học sinh, bởi vì 20 học sinh sẽ là 20 cách nhìn nhận về một sự việc.  Chưa kể tính cách của các em cũng khác nhau vì bị ảnh hưởng từ gia đình. Cái hay của người giáo viên đó là dẫn dắt các em để tính đoàn kết không tách rời khỏi tập thể nhưng mỗi em vẫn là cái “chất” riêng của mỗi cá thể. 
 
Đột nhiên mình nhớ một câu thơ học ở cấp I, “Làm anh khó đấy, phải đâu chuyên đùa!”, bây giờ đổi lời đổi ý một tí thành “làm cô khó lắm, phải đâu chuyện đùa!” chắc mọi người cũng sẽ nhất trí đúng không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!