Trẻ em thích những bộ phim hoạt hình vì não bộ của lứa tuổi này rất dễ dàng bị hấp dẫn những đồ vật, con vật nhiều màu sắc, hoạt động với tuần suất nhanh và diễn ra liên tục. Có thể nói, khả năng chúng tiếp thu những gì xảy ra trên phim hoạt hình có thể nhanh gấp hai lần người trưởng thành. Dựa vào tâm lý đó mà rất nhiều ứng dụng giáo dục ra đời dựa trên những nhân vật hoạt hình nổi tiếng đã có những hiệu quả đáng kể với trẻ em. Trong giảng dạy Piano cho lứa tuổi ấu nhi, nhi đồng nếu như chúng ta bỏ qua mãnh đất màu mỡ này thì quả thật là đã bỏ qua một cơ hội quý giá để tiếp cận đến nhận thức của chúng.
Trong tài liệu Fundamentals of Piano Practice, tác giả C. C. Chuang cho rằng một đứa trẻ có thể có được khả năng cảm âm từ khi còn rất nhỏ. Tác giả khuyến khích phụ huynh nên cho trẻ tập lắng nghe âm thanh cao thấp trên các nhạc cụ, đặc biệt là đàn Piano, vì cấu tạo đặc biệt của Piano nên các cao độ được vang lên rất rõ ràng theo từng thức bậc từ thấp đến cao và cao xuống thấp. Là một giáo viên Piano làm việc với trẻ em nhiều năm, tôi nhận thấy một điểm rất nổi bật ở lứa tuổi này là chúng cực kỳ nhạy cảm với âm thanh nói chung và âm nhạc nói riêng và một trong những khả năng có thể được đánh thức từ sớm nhất của chúng đó chính là: Cảm âm.
Cảm âm được tương truyền như là một khả năng về âm thanh mà chỉ những người được học nhạc chuyên nghiệp mới có được qua một thời gian dài rèn luyện hoặc nó như là một món quà quý giá ông trời kén chọn, ban tặng cho một vài người. Cả hai ý trên đều đúng. Nhưng, có thể không mấy ai biết rằng, cảm âm là một khả năng được “cất giấu” rất kỹ trong mỗi cá nhân và chờ đợi được đánh thức nếu như chúng ta biết dùng đúng phương pháp.
Trong bài viết hôm nay tôi sẽ chia sẻ một trò chơi nhỏ để đánh thức và rèn luyện khả năng cảm âm cho trẻ thời kỳ 4 đến 5 tuổi. Trò chơi này rất đơn giản và dễ thực hiện, phụ huynh hoặc các bạn đồng nghiệp đều có thể chơi cùng với trẻ tại nhà riêng hoặc tại lớp học cá nhân đều thích hợp.
* Chuẩn bị:
– Cắt 1 hình tròn đường kính 4 cm bằng giấy giấy và trang trí như đầu một con sâu
-Cắt 5 hình tròn nhỏ hơn làm thân sâu (trên thân có ghi 5 chữ cái C D E F G)
*Thực hiện:
– Bước 1: Giáo viên đặt 5 thân hình tròn của chú sâu trên mặt bàn cách ngẫu nhiên, không theo thứ tự và lộn xộn
– Bước 2: Giáo viên dùng một cuốn sách che bàn tay và chơi 5 nốt nhạc theo thứ tự cao độ từ C đến G 2 lần (chơi chậm, to, rõ) => Học sinh nghe và đặt các thân của sâu vào đúng thứ tự 5 nốt nhạc đã được chơi
-Bước 3: Giáo viên chơi 5 nốt nhạc theo cao độ đảo lộn (lưu ý chỉ nên đảo lộn 1 nốt đến 2 nốt và bắt đầu từ các quãng dễ nghe thuận tai như quãng 3 hoặc quãng 5) => Học sinh cũng thực hiện giống như bước 3
* Kiểm tra kết quả:
-Cách 1: Giáo viên mở cuốn sách và cho học sinh nhìn bàn tay giáo viên được chơi lại 5 cao độ đã chơi, sau đó kiểm tra kết quả của học sinh.
-Cách 2: Yêu cầu học sinh chơi trên đàn 5 thứ tự của 5 cao độ học sinh đã xếp và so sánh với 5 cao độ giáo viên đã chơi.
Cái hay ở trò chơi này là các cao độ đã được “biến hóa” cụ thể thành những hình tròn để trẻ có thể dễ dàng cầm nắm và xác định được chúng. Nếu như bạn có thể lồng ghép vào trò chơi này một câu chuyện gì đó hay ho thú vị thì sức hấp dẫn của nó sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
Chúc quý phụ huynh và các bạn đồng nghiệp có những khoảnh khắc học tập thật vui bên trẻ …. <3
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Hay quá em ơi! Sáng kiến tuyệt vời. Cám ơn em