Nhật Ký 12 – Do it your way!

Phim ảnh Mỹ mê hoặc tôi. Những cảnh quay sống động, chân thực cùng với dàn công nghệ kỹ xảo phát triển, Hollywood đã tạo ra hàng ngàn các tác phẩm nghệ thuật để đời cho ngành công nghiệp điện ảnh trên thế giới.  

Tuy vậy, đó không phải là những gì tôi nhớ nhất về các bộ phim đoạt giải Oscar đình đám ấy.  Thứ lôi cuốn tôi nhất đó chính là văn hoá tự do của Mỹ.  Tôi không biết còn ở đâu trên hành tinh này có một đất nước tôn trọng sự tự do như nước Mỹ.  

Công dân có quyền được khởi nghiệp theo cách họ thích, phụ nữ có quyền được yêu người đồng giới với mình, đàn ông có quyền trang điểm ăn vận như người khác giới.  Trường học thì có quyền thử nghiệm tất cả những phương pháp giáo dục mới mẻ sáng tạo, còn trẻ em thì được quyền nói ra những gì chúng nghĩ, làm những gì chúng muốn.  

Cái đó khó, thực sự rất khó.  Phải! Tôi đang nói về vế cuối cùng, “… trẻ em thì được quyền nói ra những gì chúng nghĩ, làm những gì chúng muốn.” 

Nếu cách đây 20 năm, bạn cũng là một học sinh từng mài đũng quần tại các trường công lập Việt Nam, hẳn bạn sẽ rất hiểu điều tôi đang nói.  Chúng ta, cả bạn và tôi, đều đã đi đến trường học như những con rô bốt đi vào nhà máy để được đúc thành những thành khuôn mẫu.  

Nhưng có phải chỉ dừng lại ở đó?  Khi tôi và bạn lớn lên, chúng ta lại tiếp tục nhào nặn những đứa trẻ khác thành những con rô bốt đời II từ chính lớp học của mình.  Thứ lỗi cho tôi nếu như bạn không làm vậy, nhưng tôi thì đã từng như vậy, rất rất nhiều năm trời… 

Cho đến một ngày, tôi nhận ra bọn trẻ thực sự là những cỗ máy.  Chúng chơi một tác phẩm mà không hiểu gì về tác phẩm đó.  Chúng học thuộc vị trí các nốt nhạc và trả lời làu làu, bất kể đó là khoá Sol hay khoá Fa. 

Ví dụ như khi tôi dạy cho các bạn học sinh lớp 1 về cách đọc nốt nhạc, nếu như tôi nói với chúng rằng, “Nhìn đây, khoá Sol quy định nốt Sol, nốt ở dòng kẻ số 2 là nốt Sol.  Nói theo cô nào, nốt Sol dòng kẻ số 2!”, vậy thì chúng sẽ biết rằng nốt Sol ở dòng kẻ số 2.  Tiếp Theo đó, tôi lại nói, “Nốt Fa nằm ở khe số 1 ở dưới nốt Sol, nói theo cô, Fa khe số 1”, vậy thì chúng cũng lặp lại “Fa khe số 1.” 

NHƯNG! 

Chúng chưa bao giờ hỏi tôi vì sao lại có khoá Sol, vì sao nốt Fa phải nằm ở khe số 1 chứ không phải khe số 2?  Chưa bao giờ chúng hỏi… 

Thứ năm tuần trước, tôi và Hansa bắt đầu học về kỹ năng Thị Tấu.  Phải công nhận rằng, Thị Tấu là thứ không hề đơn giản cho những người bước đầu học chơi Piano.   Trước buổi hôm ấy, tôi đọc rất nhiều tài liệu về các phương pháp giảng dạy kỹ năng này và chuẩn bị đầy đủ các công cụ cần thiết.  Ngày lâm trận, tôi cũng trình bày tỉ mỉ cho Hansa các bước để con bé có thể thực hiện được bài Thị Tấu chỉ trong vòng 1 phút chuẩn bị.  

Lần thứ nhất, Hansa thực hiện được khoảng 60% yêu cầu trong 2 phút chuẩn bị.  Con bé tuân thủ chính xác các nguyên tắc đã đưa ra.  

Lần thứ hai, một đề bài giọng Fa trưởng, Hansa cũng chỉ thực hiện được khoảng 60% mặc dù thời gian chuẩn bị chỉ còn 1 phút 50 giây.  Tôi hơi hoang mang và tôi bắt đầu hỏi:

– Con thấy lần thứ hai này như thế nào?

-Cũng có tiến bộ một chút xíu ạ.

Tôi không biết con bé cảm thấy thế nào, nên lại hỏi tiếp: 

-Theo con thì để lần thứ ba có thể tốt hơn và nhanh hơn, mình nên làm gì nhỉ? 

Con bé ngẫm nghĩ một hồi.  Nó có vẻ băn khoăn. 

Được rồi, bây giờ chúng ta sẽ làm thêm một lần nữa.  Lần này cô muốn con sẽ cảm nhận theo cách của con và làm theo cách con nghĩ là tốt nhất, không cần phải quan trọng đến thời gian.  Sau đó, chúng ta sẽ cùng thảo luận thêm nhé! 

Lần thứ ba, một đề bài giọng Rê thứ hoà âm. Tôi thấy Hansa làm rất nhanh, con bé xoay qua xoay lại để kiểm tra các mục có trong phần check list.  Nó vừa đọc vừa lầm nhẩm trong đầu.  1 phút 15 giây, con bé thực hiện được khoảng 90% yêu cầu đề bài. 

Tôi bất ngờ.  Điều gì đã thực sự thay đổi trong quá trình đó khiến Hansa vượt trội về kết quả đến như vậy? Tôi lao vào hỏi ngay:

-Wow! Tuyệt thật! Con đã thị tấu đúng đến 90% chỉ trong vòng 1 phút 15 giây chuẩn bị.  Làm sao con có thể làm được nhanh đến thế? 

-Dạ, con cũng tuân theo những nguyên tắc ở trên bảng cô đã ghi.  Thêm vào đó, con còn chú ý vào các nốt ở đầu các ô nhịp, con đọc chúng thật nhanh, vèo vèo vèo.  Rồi con cũng nhìn vào các dấu hoá bất thường trong bài và con cũng chú ý đến vị trí của bàn tay nữa ạ! 

Thật đáng kinh ngạc.  Nhờ được khuyến khích để suy nghĩ tự do không giới hạn, Hansa đã tìm thấy những kỹ thuật riêng cho bản thân nhằm nâng cao kỹ thuật Thị Tấu cho chính nó, và con bé đã thành công.  

Không còn nghi ngờ gì nữa, Hansa đã vượt qua những quan điểm của con người để tìm ra được hướng đi cho riêng mình.  Những gì Hansa đề cập đến, tôi chưa hề được đọc qua trước đây.  Tôi vui vì con bé đã phát triển được kỹ năng Thị Tấu một phần, nhưng vui vì con bé nay đã trở thành một pianist trẻ với tư duy độc lập và sáng tạo thì cả mười phần.  

Giáo dục không phải là thu nhặt tri thức nhưng là cách rèn luyện tâm trí để tư duy.

Nhật ký của một cô giáo dạy Piano.  

26.02.2019. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!