Một buổi sáng đẹp trời gần một năm về trước, Mansi nhắn hỏi tôi: “Em có dạy luyện thi chứng chỉ ABRSM không?”. Lúc đó, mặc dù chưa hề biết một chút gì về cái Mansi đang hỏi, tôi vẫn tự tin nhắn lại: “Có!”
Trải qua chặng đường gian nan nhưng rất thú vị, ngày hôm nay khi đối diện với bài viết này, tôi biết quyết định của mình năm nào là vô cùng chính xác.
Không khó để tìm hiểm về chứng chỉ âm nhạc quốc tế ABRSM tại Việt Nam. Rất nhiều trung tâm giáo dục âm nhạc tại Việt Nam có các lớp luyện thi chuyên về lĩnh vực này để phục vụ cho nhu cầu đang phát triển của thị trường. Tuy vậy, ABRSM không chỉ là nhu cầu như cách người ta nói về thị hiếu nào đó của người tiêu dùng, theo tôi, nó thật sự còn là một hành trình rất đáng để trải nghiệm cho những giáo viên đam mê giảng dạy.
Về phần mình, có 4 lý do chính nhất tôi đã lựa chọn ABRSM:
1. Mục tiêu rõ ràng
Với hệ thống lý thuyết chặt chẽ và phân khúc tiểu phẩm phù hợp với từng cấp độ, ban tổ chức kỳ thi ABRSM đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng cho thí sinh trong quá trình luyện thi. Từ đó, người giáo viên cũng dễ dàng nhắm vào những mục đích cụ thể để giúp học sinh đạt được những kỹ năng và kỹ thuật cần có cho mỗi thời điểm.
2. Phát triển toàn diện
Không giống với những giáo trình khác, hướng học sinh tập trung vào tập luyện để biểu diễn. Với chương trình thi của ABRSM, bên cạnh các lý thuyết nền tảng cần thiết, học sinh còn được chú trọng phát triển toàn diện những kỹ năng khác như: Xướng âm, cảm âm, thị tấu, sáng tác. Đây hoàn toàn là những yếu tố rất cần thiết để giúp người học Piano trang bị đầy đủ cho hành trình âm nhạc về sau.
3. Mở rộng chuyên sâu
Với 8 cấp độ từ căn bản đến nâng cao, trải dài trên tất cả các lĩnh vực từ Cổ điển đến Hiện đại, từ Khí nhạc đến Thanh nhạc mang lại cho thí sinh cơ hội để có thể hoàn thiện hành trình Âm nhạc của mình theo một cách rất chuyên sâu mà vẫn không cần phải tham gia học tập tại trường Âm nhạc chuyên nghiệp. Đây chính là một lợi thế rất lớn cho những học sinh được giảng dạy theo chương trình ABRSM nói riêng, hay là các chương trình chứng chỉ Âm nhạc quốc tế khác nói chung.
4. Tiêu chuẩn quốc tế
Được thành lập bởi Hiệu trưởng trường Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh Quốc và Giám đốc trường Đại học Âm nhạc Hoàng gia, ABRMS là một trong bốn hội đồng thi được Ofqual (The Office of Qualifications and Examinations Regulation) công nhận các bài kiểm tra xếp loại và các bằng cấp âm nhạc là đáp ứng đúng yêu cầu của Khung Trình độ Quốc Gia Vương Quốc Anh. Với lý do đó, khi giáo viên giảng dạy chương trình ABRSM, học sinh tham gia kỳ thi được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi trên thế giới.
Cùng với ABRSM, Trinity, LCM, Rock School… thị trường giáo dục Âm nhạc Việt Nam đang dần được chuyển hoá nhanh chóng và phát triển tột bật. Hiệu ứng này có thể đem lại những tín hiệu đáng mừng cho thế hệ học Nhạc tương lai của nước nhà. Tuy vậy, học Âm nhạc trên hết vẫn phải dựa vào niềm vui và sự yêu thích, việc chạy theo các chứng chỉ có thể vô tình dẫn người học đến những ám ảnh về điểm số và thành tích, khiến cho mục tiêu của giáo dục Âm nhạc vô tình mất đi cái chất cốt lõi của nó.
Mong rằng với bài viết trên, các bạn giáo viên và phụ huynh có thể phần nào nhìn thấy rõ ràng hơn những điểm tích cực của chứng chỉ ABRSM và có những hướng phát triển thật phù hợp với trẻ.
======
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.