Nhật Ký 26: Nơi khâu vá những tâm hồn

Chúng ta ai cũng có những ước mơ và hoài bão. 

Và đôi khi chúng ta sống cả đời chỉ để chờ đợi ngày ước mơ được trở thành hiện thực.   Nhưng có đam mê hay không có đam mê, đó không hẳn là điều quan trọng nhất, mà quý hơn tất cả là bạn vẫn đang được sống.

Joe là một giáo viên nhạc bán thời gian cho một trường cấp 2. Bên cạnh việc dạy học, Joe có niềm đam mê đặc biệt dành cho nhạc Jazz. Chưa bao giờ ông thôi nghĩ về Jazz, về cây đàn Piano và những âm thanh đặc biệt mà ông có thể chơi trên đó. Lẽ sống của ông chính là nỗ lực để có thể trở thành một nghệ sỹ nhạc Jazz chuyên nghiệp trên sân khấu. 

Ước mơ của Joe cũng thực tế như bao người giáo viên dạy nhạc khác. Trước khi có thể truyền cảm hứng cho người khác, họ phải là một người có tràn đầy cảm hứng. Mỗi giáo viên trước khi đứng trên bục giảng để nói về những nốt nhạc, bản thân họ phải trải nghiệm được tất cả những điều đó thông qua chính mình. 

Khi tôi hỏi cô Kim mất bao lâu để cô trở thành một giáo viên giảng dạy phương pháp Dalcroze chuyên nghiệp. 6 hay 7 năm gì đó, cô trả lời tôi rất bình tĩnh, theo triết lý của Dalcroze, giáo viên không chỉ là người hướng dẫn, họ trước hết phải là người trải nghiệm phương pháp và thấm nhuần nó nhiều hơn hết. 

Thầy giáo Joe luôn tạo cảm hứng cho học sinh qua những ngón tay điêu luyện trên phím đàn của ông, và ngày ngày, ông vẫn nói về nhạc Jazz với mọi người bằng tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng của mình. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi Joe gặp một tai nạn trên đường sau buổi casting cho vị trí pianist của một ban nhạc nổi tiếng. 

Ông rơi vào trạng thái hôn mê sâu và linh hồn bay đến một vùng cực lạc, nơi giao thoa giữa sự sinh ra và sự chết đi. Joe đau khổ tìm cách quay trở lại trái đất chỉ để có thể thực hiện được ước mơ duy nhất của cuộc đời mình – chơi nhạc Jazz. 

Trong tiến trình này, Joe gặp linh hồn số 22. Một linh hồn chán chường không muốn được sinh ra dưới hình hài con người. Trước đây, 22 được gặp rất nhiều những linh hồn của những người nổi tiếng trên thế giới, cô được họ chia sẻ về cuộc đời và những chiến công lẫy lừng của họ khi còn sống. Tất cả đều cố gắng chỉ để giúp cô có thể điền vào ô trống cuối cùng trên bảng huy hiệu còn thiếu của mình. Nhưng, 22 từ chối tất cả mọi thứ. Nó không thấy mình được tạo cảm hứng bởi bất cứ thứ gì trên đời, không có cái gì khiến cô phải tròn xoe mắt hay phải nhãy cẫng lên vì vui sướng. 

22 cất mình vào một góc. Ngày đêm trong những giấc mơ, nó luôn bị ám ảnh với những gì người ta nói với mình, rằng nó là kẻ thua cuộc, kẻ không có mục đích cuộc đời, kẻ abc xyz… Nhưng với 22, thế cũng tốt, cứ ở lại nơi cực lạc này vui hơn là phải đến thế gian chán ngắt qua những lời kể kia. 

22 đáng thương và tội nghiệp, nó không dám sống. Và nó chấp nhận việc mình chỉ là một linh hồn, không biết ăn, không biết ngưởi, ngày ngày rong chơi, nhưng thà như thế còn hơn. Sâu thẳm trong 22 là nỗi sợ hãi đối diện với cuộc sống thật. Có thể vì 22 luôn mặc cảm việc mình không thể tìm được một cái gì đó thật sự là đam mê của mình. 

“Nhưng có niềm đam mê không phải là mục đích cuộc đời, đó chỉ là dấu hiệu em đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc sống hay chưa thôi.” – Joe nói với 22. 

Khi 22 đến thế giới cùng với Joe thông qua cơ thể của ông, cô lần đầu tiên được ăn bánh, lần đầu tiên biết cách bước đi. Bàn tay nó lần đầu được cảm nhận cảm giác nóng, lạnh. 22 có thể ban đầu rất sợ hãi khi đường phố quá nhiều xe cộ và các toà nhà chọc trời mọc khắp nơi, nhưng rồi nó nhanh chóng tận hưởng khoảnh khắc ngắn ngủi làm người của mình. Từ đó, 22 bắt đầu nhận ra, được sống mỗi ngày là một niềm hạnh phúc vô bờ bến của một linh hồn. 

Chúng ta nói rất nhiều về lý thuyết. Trong những lớp học, chúng ta giảng giải hàng ngàn từ về những kỹ thuật, về các quy tắc, chúng ta đưa ra những luận điểm khoa học được đóng thành cuốn và giao cho học sinh đọc và đọc mỗi ngày. Chúng ta dạy khoa học nhưng không khơi gợi được niềm say mê tự nhiên, chúng ta nói về âm nhạc nhưng lại khiến học sinh ngáp ngắn ngáp dài và phải hát lên như những cỗ máy. Chắc chắn, những kỳ thi sẽ lấp đầy bảng điểm của các em, nhưng điều gì còn đọng lại sau mỗi tiết học? Chúng ta có đang khiến học sinh thấy trường học là chốn tẻ nhạt vì các lớp học thiếu những trải nghiệm thực tế? 22 liệu có thấy muốn sống nếu nó chưa bao giờ được một lần “trial” sống? 

Thầy giáo Joe đi bên 22 và ông nhìn thấy cách nó cảm nhận hơi thở của cuộc sống vô cùng kỳ diệu. Joe biết có điều gì đã đến bên trong 22 và làm cho bảng huy hiệu của nó được thắp sáng. Nhưng Joe còn có sứ mệnh của mình, phải trở thành một nghệ sỹ nhạc Jazz, đó là ước mơ cả đời ông đã chờ đợi. 

Và sau mọi nỗ lực, cũng đến giờ phút Joe đứng trước khoảnh khắc đó. Ông được ngồi tại cây đàn Piano và chơi nhạc cho ông, cho mọi người. Tiếng nhạc dập dìu làm ông quên hết những khó khăn cuộc đời đã trải qua. 15 phút, rồi 30 phút, rồi 1 tiếng, 2 tiếng. Mồ hôi Joe bắt đầu nhễ nhại, nhưng ông vẫn chơi đàn như niềm say mê vốn có của mình, được sinh ra để chơi nhạc. Buổi biểu diễn kết thúc, Joe đứng trước sự tung hô của khán giả, những lời tán thưởng và những mỹ từ không ngớt dành cho ông. Rồi đèn tắt, Joe bước xuống khán đài, ông nhìn chung quanh và mong đợi có gì đó sẽ khác. Hoàn toàn không, Joe khi ở dưới sân khấu cũng chỉ là Joe, một người thầy giáo da màu, đeo kính đen và tóc đã ngã màu muối tiêu. Tàu điện ngầm hôm ấy vẫn đông đúc như thế, căn hộ ông ở một mình vẫn tĩnh lặng như thế. Cuộc đời không có gì thay đổi cả, ngay cả khi ông đã đạt được ước mơ của mình. 

Vậy thì việc đạt được ước mơ có phải là mục đích duy nhất để Joe sống hay không? 

Joe cũng là hiện thân của chúng ta, một thế hệ bận rộn. Căn nhà, chiếc xe, hay một chiếc ghế trưởng phòng…vv…vv… Chúng ta nghĩ rằng những điều đó hẳn phải xem như là lẽ sống mình ngày đêm nỗ lực hết sức để đạt được. Chúng ta rèn luyện, mài dũa, hy sinh thời gian, sức lực, hy sinh cả hạnh phúc riêng để mong rằng những gì mình đang tập trung thực sự đáng. Và cũng đến ngày chúng ta có thể chạm tay vào ước mơ và hoài bão của mình. Nhưng sau đó thì là gì tiếp theo? Đạt được ước mơ rồi liệu chúng ta còn mục đích gì để sống nữa không? 

Và những mục tiêu, những giới hạn đến khi nào sẽ hết khi lòng ham muốn của chúng ta mãi là một hố sâu không đáy? 

Joe trở về nhà và ông nhìn những gì 22 vô tình để lại trong túi quần của mình. Những vật rất nhỏ nhưng lại phản chiếu được những giờ phút ngắn ngủi 22 đã ở ở trái đất như một con người. Joe lại quên đi những điều đó. Joe quên rằng việc được ông được sống như một người bình thường, được nhìn thấy ánh nắng mặt trời, hít thở, ăn uống, đi lại, chơi đàn, tạo cảm hứng, đến lớp mỗi ngày và truyền đạt tình yêu âm nhạc của ông cho những đứa trẻ, đó là những niềm hạnh phúc rất giơn đản mà cuộc sống đem lại, nhưng…ông đã quên tận hưởng nó. 

Joe nhớ đến 22, cách nó đã nài nỉ ông cho nó được “sống” trong cơ thể của ông nhiều đến mức nào. Joe chạy đi tìm 22 như cách ông đi tìm một đứa học sinh của mình. Ông biết trái tim đầy vết xẹo và linh hồn lạc mất của 22 đang ở đâu đó trong miền cực lạc. Joe bước vào nơi tăm tối nhất của 22 và thắp lên một niềm tin mới cho nó rằng:  Cuộc đời này đáng sống, và 22 đã thực sự đã sẵn sàng cho cuộc sống. 

Joe chấp nhận bị làm cho tổn thương, bị chà đạp, xua đuổi…nhưng với trái tim mãnh liệt của người thầy, Joe tìm thấy 22 cô đơn đang ở một góc, tự huyễn mình bằng những lời chỉ trích của người khác. 

Có thể chúng ta ai nấy đều đang làm việc của mình. Với những người giáo viên, việc chúng ta đến lớp, cố gắng truyền đạt mọi kiến thức và đào tạo ra những học sinh ưu tú có ích cho xã hội luôn là một trọng trách quan trọng. Nhưng liệu chúng ta có đủ quan tâm đến những đứa trẻ thật sự đặc biệt? Những đứa trẻ ấy đến lớp với một buổi sáng rối bời vì bố mẹ cãi lộn, chúng thường xuyên quên làm bài tập vì không có ai ở bên để hướng dẫn, chúng đánh nhau vì luôn bị người khác hiếp đáp, chúng không có đủ sách vở vì gia đình còn bữa đói bữa no. Liệu chúng ta có tạm gác lại một chút thời gian chỉ để trò chuyện, hoặc ngồi xuống và lắng nghe những điều chúng muốn nói? Và hơn thế nữa, làm mọi cách để thắp lên những tia hy vọng cho cuộc đời chúng, mang cho chúng một niềm tin mới vào thế giới, vào chúng ta. 

Joe đã quyết định bỏ mặc 22 để được sống một lần trên sân khấu, nhưng rồi ông cảm thấy việc trở nên nổi tiếng hay được yêu mến cũng không quá đặc biệt bằng việc mình có thể làm gì đó cho một linh hồn đã chán chường. Joe là đại diện của một người giáo viên tận tuỵ hết lòng với sứ mệnh cuộc đời mình. Ông nắm chặt bàn tay của 22 bay xuống trái đất khi 22 nói rằng nó vẫn lo lắng lắm, dù Joe không thể nào đi được vì ông đã đưa cho nó tấm huy hiệu thông hành duy nhất vào thế giới loài người.

“Đừng lo, tôi sẽ đi cùng với em khi nào tôi còn có thể.” 

Và cả hai cùng nhảy, họ bay bên nhau một quãng đường như hai người thầy – trò rồi tạm biệt nhau trước khi 22 tiếp đất để được sinh ra. Joe nhìn 22 tiến vào cuộc đời đầy mãn nguyện, ông biết lựa chọn của mình đã thật sự đúng đắn. 

Một bộ phim lồng ghép những tầng ý nghĩa khác nhau và mang đến rất nhiều những thông điệp cho người xem. 

Joe và 22, hai linh hồn nhỏ bé giữa hàng triệu linh hồn đang sống ở thế giới này. Nhưng đâu đó, cũng có thể là hình bóng ai đó trong chúng ta. Có thể là Joe, một người thầy giáo nhận ra ý nghĩa cuộc đời, hay là 22, một cái bóng đang lạc mất vì chán chường cuộc sống. Chúng ta đều có thể là 1 trong 2, hoặc là cả 2, nhưng dù sao đi nữa, mỗi ngày, hãy mở mắt ra và tận hưởng những niềm hạnh phúc giản đơn giản và lựa chọn sống thật tích cực. 

Có đam mê hay không có đam mê, đó không hẳn là điều quan trọng nhất, mà quý hơn tất cả là bạn vẫn đang được sống. 

Nhật ký của một cô giáo dạy Piano

Tháng 4, 2021

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!