Trong giảng dạy âm nhạc tôi rất thích dùng các ví dụ và mô phỏng gần gũi với cuộc sống. Tôi thường hay bảo với các bạn học sinh của mình rằng, âm nhạc miêu tả cuộc sống và cuộc sống cũng là bóng hình của âm nhạc.
Có lần, trong một tiết học đang diễn ra, có cơn gió bất ngờ từ đâu đến đẩy cánh cửa kêu nhè nhè. Người bạn nhỏ ngồi đối diện tôi bỗng dưng bị phân tán sự chú ý ra khỏi nội dung bài và mãi lo nhìn ngoài cánh cửa. Tôi nhanh trí nghĩ ra ngay một sự kết nối giữa cơn gió kia với bài học về to và nhỏ hôm ấy. Thế là tôi hỏi: “Ô…có cơn gió kìa, wow…nếu như chúng ta là những cái cây thì cơn gió to đến sẽ thế nào nhỉ? Sẽ làm cây rung rinh thật mạnh này…”, vừa nói tôi vừa dang tay ra hai bên làm thành những cành cây bị rung lắc vì cơn gió. Rồi sau đó thì tôi lại chuyển sang cơn gió nhỏ, những “cành cây” của tôi và của bạn nhỏ nhè nhẹ rung rinh. Rồi chúng tôi cùng tạo ra những âm thanh to và nhỏ khi gió thổi, cùng chuyển động, cho đến khi tôi tạo ra những âm thanh của gió trên đàn, tôi có thể nhìn thấy học sinh của mình hoàn toàn tập trung chú ý vào lắng nghe âm nhạc và thể hiện chúng ra trên cơ thể vô cùng tuyệt vời.
Một trong những thử thách khó khăn nhất trong giảng dạy về tốc độ âm nhạc đó là nhanh dần và chậm dần. Đối với các học sinh có tai nghe nhạy cảm và năng khiếu âm nhạc sẵn có thì đây là chuyện đơn giản. Nhưng hầu hết đấy đều là những thí sinh tiềm năng của các trường Nhạc Viện, còn đối với các bạn nhỏ học sinh của tôi, phần lớn đều được học piano để rèn luyện thẩm mỹ và đạo đức, một số khác thì học cho thư giãn tâm hồn và giả tỏa những u uất.
Vì thế khi nói về Accelerando hoặc Ritardando nếu tôi chỉ dịch nghĩa cho học sinh hiểu rằng đó là nơi âm nhạc sẽ “nhanh dần lên” hoặc “chậm dần lại” thì 80 đến 90% các bạn đều rất khó thể hiện được độ căng của nét nhạc sống động như nó đáng phải có. Một số sẽ đột ngột chuyển tốc độ chậm quá sớm cho câu nhạc, và ngược lại, nhanh quá đột ngột. Nhiều lý do cho vấn đề này có thể kể đến như là:
1. Học sinh chưa hiểu vì sao âm nhạc phải được thể hiện như vậy, vì mục đích gì. Tai nghe nhạc và độ cảm nhận âm nhạc chưa được rèn luyện đủ thường hay khiến học sinh gặp vấn đề với những câu hỏi như vậy.
2. Học sinh chưa cảm nhận đủ về cảm giác chân thực của việc một tốc độ bình thường đột ngột chuyển chậm lại, hoặc chuyển nhanh. Khiến học sinh không thể hình dung và gặp khó khăn trong tưởng tượng.
Rút kinh nghiệm cho nhiều lần thất bại trong việc truyền tải chủ đề này. Chiều hôm qua, khi đụng mặt hai thuật ngữ âm nhạc này trên một tác phẩm, tôi nghĩ ngay đến các tín hiệu đèn giao thông được đặt tại những con đường. Và tôi hiểu, bây giờ là lúc tôi phải làm khác đi để giúp học sinh mình có thể cảm nhận tốt hơn về Accelerando và Ritardando.
Vậy là tôi bắt đầu đề cập cho cô bé học sinh 10 tuổi của mình về các tín hiệu đèn giao thông và sự chuyển động của xe ô tô khi chạy đến ngã tư và gặp đèn đỏ. Chúng tôi xoay các nắm tay với nhau và tạo ra âm thanh để mô phỏng cho chiếc bánh xe đang chạy trên đường với tốc độ nhanh. Đằng xa xa thấy đèn đỏ xuất hiện, xe giảm phanh lại chầm dận, và chậm hẳn khi đến gần đèn đỏ. Tiếp theo, tôi thực hiện những ghi chú trên bản nhạc của cô bé với hình ảnh của màu đèn giao thông vô cùng chân thực và rất dễ hình dung cho một đứa trẻ 10 tuổi.
Với một hình ảnh cụ thể như vậy, tôi tin rằng đứa trẻ nào cũng sẽ hiểu và nhớ mỗi khi chúng nhìn thấy những thuật ngữ âm nhạc như thế. Sâu sắc hơn nữa, chúng có thể tưởng tượng và cảm nhận thông qua những ví dụ cụ thể sinh động mà có thể đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công trong việc biểu diễn một tác phẩm âm nhạc của chính.
Hy vọng với Tip 42 này, bạn đã có thể nhận ra nhiều điều và có một ý tưởng gì đó lóe lên trong đầu cho tiết học tiếp theo của mình. Hãy chia sẻ những trải nghiệm của bạn với tôi về Tip 42 này tại comment bên dưới bài viết nhé!
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Trời ơi cám ơn em, chị đang bế tắc vì học trò chị (8 tuổi) cứ thích đàn nhanh và rất nhanh. Mặc dù bạn ấy cũng biết đàn theo thuật ngữ như “rit”. Nhưng nhìn chung thì lúc nào bạn ấy cũng đàn nhanh, dễ khiến cho ngón tay trở nên …không ổn cho lắm. Ở nhà ba mẹ kêu đàn chậm nhưng bạn ko nghe. Tự nhiên vào đây đọc đúng tip chị đang cần. Chị cám ơn em đã chia sẻ nhé. Lúc nào em cũng là cái phao của chị. ❤️
Trời ơi cám ơn em, chị đang bế tắc vì học trò chị (8 tuổi) cứ thích đàn nhanh và rất nhanh. Mặc dù bạn ấy cũng biết đàn theo thuật ngữ như “rit”. Nhưng nhìn chung thì lúc nào bạn ấy cũng đàn nhanh, dễ khiến cho ngón tay trở nên …không ổn cho lắm. Ở nhà ba mẹ kêu đàn chậm nhưng bạn ko nghe. Tự nhiên vào đây đọc đúng tip chị đang cần. Chị cám ơn em đã chia sẻ nhé. Lúc nào em cũng là cái phao của chị. ❤️