Chúa Nhật, 25.07.2021
———————
Chiều thứ ba vừa rồi, giáo sư Kim mang đến cho tôi một bức tranh trường phái lập thể. Đây là bức “Tác phẩm số 8” (Composition VIII) được hoạ sĩ Wassily Kandinsky vẽ theo trường phái lập thể vào năm 1923. Cô đọc cho tôi nghe mô tả của Kandinsky về bức tranh: “Màu sắc là những phím đàn, những con mắt là phần hoà âm, tâm hồn là cây đàn piano với rất nhiều dây. Người nghệ sỹ với đôi bàn tay để chơi, để chạm vào phím này hay những phím khác, và tạo ra sự rung động cho những tâm hồn.”
Rồi cô nêu ra bài tập của mình: Tôi sẽ chiêm nghiệm bức hoạ này và chơi trên đàn Piano một bản ứng tác với phong cách âm nhạc vô điệu tính (atonal music). Đề bài vừa được đọc xong, tôi nhìn giáo sư thất kinh.
Có lẽ trong gần 1 năm qua, cô chưa bao gặp phải cái nhìn kinh khủng đó từ nơi tôi. Cả hai chúng tôi đều hoang mang ở góc độ này hay góc độ khác.
5 phút tiếp Theo chúng tôi nói với nhau nhiều hơn và sâu hơn những gì bản thân nhận ra từ bức tranh. Giáo sư Kim đề cập đến cái hình tròn lớn bên góc trái bức vẽ, đó có thể là một hợp âm đè nén với cảm giác nặng nề. Các đường kẻ với hình thù khác nhau có thể là những nét giai điệu, có cái hình tam giác đỉnh nhọn đi lên, có đường uốn lượn, và đôi khi cắt ngang nhau, vv…vv…Tâm trí tôi o ép với nhiều câu hỏi khác nhau: Hoà âm sẽ là gì đây nhỉ? Điệu thức nào sẽ vừa vặn cho bức tranh này? Giai điệu tay phải của tôi nên chơi ở tầm quãng nào? Và cái hợp âm giáo sư Kim nói đó, nó nên là kiểu hợp âm gì thì mới được…?
– Em đừng suy nghĩ nhiều quá. Cũng không cần phải chơi thật giống như những gì có trong đây đâu, rất khó để phát triển nhiều ý tưởng khác nhau cùng một lúc. Có thể bắt đầu với bất cứ thứ gì đó em thấy được, chỗ hợp âm ở góc trái này…và đừng suy nghĩ quá nhiều. Hãy thoát ra khỏi bản năng của em – âm nhạc có điệu tính, và chơi gì đó khác lạ, thứ gì đó vượt ra ngoài quy tắc mà em đã quá quen thuộc…
Đầu tôi gật gật, miệng thì ậm ờ nhưng tay thì lóng ngóng khi không biết nên đặt vào đâu để bắt đầu. Tôi nhấn đại BM7…
– Đó đã là một hợp âm nguyên thể rồi. Em có thể làm nó khác đi được không? Đừng sử dụng những quãng 3, hãy chơi quãng 2 hoặc quãng 4 tăng xem…
Tôi nhắm mắt và liều mình làm lại. Tiếp theo đó, những gì trải ra trên phím đàn hoàn toàn là sự vô thức. Tâm trí tôi vượt ra khỏi cái giới hạn đã đóng khung bao lâu nay và làm công việc sáng tạo của nó. Nhưng khi càng tư duy bao nhiêu, flow nhạc của tôi càng chậm lại và trục trặc bấy nhiêu. Điều chỉnh nhịp thở, các giác quan bên trong tôi bắt đầu hoạt động hết công suất, toàn bộ cơ thể tôi rơi vào vùng không gian chỉ có mình tôi với âm nhạc. Tôi nhìn thấy mình như nhà du hành, đi vào vũ trụ bao la, nơi không còn cánh cửa nào đóng, nơi các chiều không gian đều mở và mở toang…không hề có một giới hạn nào.
“Hợp âm” cuối cùng vang lên, tôi ngẩng đầu nhìn giáo sư. Cô đã không nói gì cả quãng thời gian đó. Cho đến lúc này.
– Em thấy thế nào? Tốt hơn chứ?
Nghe na ná như một câu thoại của bác sĩ điều trị tâm lý hỏi bệnh nhân của mình sau khi ca chữa bệnh đã kết thúc.
– Ổn ạ. Nó…khá…thú vị…
Thực sự là, tôi không thấy thú vị. Mà…nó giống như là một thứ gì đó vô cùng đặc biệt, rất đặc biệt, với đứa trẻ bản năng bên trong tôi. Chưa bao giờ tôi bắt được những flow nhạc như vậy trong đời mình, đến tận bây giờ khi viết xuống những dòng này, tâm trí tôi vẫn nhớ như in những gì đã xảy ra trong 5 phút ngắn ngủi đó.
“Bầu trời đó không phải là giới hạn, tâm trí của chúng ta mới là giới hạn duy nhất.”
Tôi mong mỗi người chơi nhạc đều có thể trải nghiệm những gì tôi đã trải nghiệm. Nó thật sự giải phóng tâm trí chúng ta khỏi những ràng buộc khô cứng của các giới hạn trong lý thuyết âm nhạc. Âm nhạc nếu như không muốn nói là một món quà mà Chúa đã mang tặng nhân loại. Nhận món quà đó bằng cách nào là còn tuỳ thuộc vào cách của mỗi người chúng ta.
Chúng ta lớn lên trong một xã hội mà ngày nay có quá nhiều những định luật, nguyên tắc, quan điểm…tôi nghĩ rằng mọi thứ có lẽ chỉ cần tuân Theo những lời dạy đã chép trong Thánh Kinh là chúng ta đều sẽ được tự do sống và tận hưởng cuộc sống đầy niềm hân hoan, vượt ra khỏi những định kiến của loài người. Giống như âm nhạc, khi biết tuân Theo những điểm căn bản mấu chốt, chúng ta đã sẵn sàng để sáng tạo.
Giới hạn là để chắp cánh cho sáng tạo, giới hạn không bó buộc sáng tạo.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.