Tip 43: “Cô chúc con một ngày tốt lành!”

Nhịp lấy đà là một chủ đề rất rộng và đôi khi rất ít được đề cập đến trong các tiết học âm nhạc nói chung và piano nói riêng. Tuy vậy, trong âm nhạc, từ cổ điển đến hiện đại các câu nhạc được bắt đầu từ nhịp lấy đà thường hay hơn và hấp dẫn hơn so với các câu nhạc bắt đầu ở ngay phách mạnh. Rất nhiều các Etude nổi tiếng của Chopin có yếu tố nhịp lấy đà, và cả Yiruma, cũng rất yêu thích cách khởi đầu một nét nhạc ở phách nhẹ của một ô nhịp.

Vì thế, nếu như chúng ta bỏ lỡ việc giảng dạy về khái niệm này, học sinh sẽ mất đi cơ hội được trải nghiệm và cảm nhận âm nhạc một cách toàn diện. Để hiểu và chơi nhịp lấy đà đúng, học sinh cần thực sự trải nghiệm tính chất đặc biệt của nó bằng cả cơ thể. Trong bài viết này, tôi sẽ viết về một tip để giúp học sinh tiếp cận nhịp lấy đà cách tự nhiên và đơn giản thông qua bản nhạc We Wish You A Merry Christmas.

Khi giảng dạy thông qua Zoom, một trong những nội dung khiến nhiều giáo viên e dè nhất đó là dạy về nhịp, phách và các yếu tố liên quan đến tiết tấu. Trong hơn hai năm giảng dạy online với studio tại nhà của mình, tôi cũng đôi lần cảm thấy khó khăn khi truyền đạt về khái niệm này. Đặc biệt là khi đường truyền internet bị lag hay đứng, việc giúp học sinh hiểu về khái niệm nhịp phách thật sự là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu đưa các yếu tố vận động vào trong các tiết học, học sinh lại thích thú hơn và việc tiếp cận âm nhạc lại trở nên dễ dàng hơn.

Đối với nhịp lấy đà, có hai yếu tố đã được tôi vận dụng: Ngôn ngữ và Vận động.

Bước 1: Một câu tiếng anh được đưa ra như sau: “I wish you a good day”, và học sinh sẽ cùng tôi đọc câu này 4 lần liên tục.

Bước 2: Tôi nói về từ “wish” là từ được nhấn mạnh nhất trong câu và làm mẫu cho học sinh cách cảm nhận điều đó bằng cách vỗ tay vào từ “wish” mỗi khi đọc.

Bước 3: Học sinh được khuyến khích đứng lên và bước xuống đất mỗi khi đọc từ “wish”, bước này giúp học sinh cảm nhận sự nhấn mạnh của âm nhạc với toàn bộ cơ thể.

Bước 4: Tôi ứng tấu các câu nhạc với tiết tấu như bên dưới và học sinh được khuyến khích để vỗ tay hoặc dậm chân (bước) vào những chỗ nhấn trong câu.

Bước 5: Khái niệm về nhịp lấy đà được trình bày cho học sinh hiểu thành định nghĩa đó là khi âm nhạc được bắt đầu ở một phách nhẹ trước đó (trong trường hợp bản nhạc We Wish You A Merry Christmas, hoặc có thể nhiều hơn trong những bản nhạc khác). Tôi giới thiệu với học sinh về tên gọi của nhịp lấy đà bằng tiếng anh “Pick Up Note” và khuyến khích học sinh đọc to lên tên gọi đó.

Bước 6: Sheet nhạc bài We Wish You A Merry Christmas được đưa ra, học sinh tìm những chỗ có nhịp lấy đà và chúng tôi cùng nhau xác định các câu nhạc có trong phần A của bản nhạc bằng cách vẽ những ô chữ nhật giống màu cho các câu có tiết tấu giống và khác màu cho câu còn lại.

Bước 7: Học sinh đọc và vỗ các câu tiết tấu và sau đó tập luyện như trình tự bình thường.

Với cách tiếp cận kết hợp ngôn ngữ và vận động, kết quả đem đến là không khí tiết học rất phấn khởi vì học sinh không chỉ hiểu được tương đối về khái niệm nhịp lấy đà ở khía cạnh lý thuyết bằng hình ảnh mà còn xây dựng được sự cảm nhận của học sinh khi chơi nhịp lấy đà thông qua vận động. Và đó là điều vô cùng cần thiết.

Thông thường trước đây ít khi nào tôi nói về chủ đề này cho học sinh, hoặc có khi trình bày khá qua loa, vì tôi nghĩ nó cũng chẳng có gì đặc biệt. Nhưng, càng về sau tôi càng nhận ra rằng, khi học sinh bị hụt mất khái niệm cả về cảm giác cũng như tri thức về nhịp lấy đà, chúng ít quan tâm hơn đến việc lắng nghe câu nhạc và hờ hững với cách phân câu nhạc khi tập luyện. Điều này nếu xảy ra trong thời gian dài sẽ vô tình góp phần ảnh hưởng đến trình độ thẩm mỹ của học sinh và khiến chúng chơi nhạc không được hay. Từ đó, học sinh thiếu động lực tập luyện và mất dần hứng thú với việc học chơi đàn.

Tiết học về nhịp lấy đà kết thúc, tôi còn chúc người bạn nhỏ bên kia màn hình với câu “I wish you a good day” mà chúng tôi đã cùng học và chơi lúc nãy. Cả hai chúng tôi đều cười vui vẻ và sự ấm áp đó lan toả trong những khung chữ nhật trên màn hình.

Mong rằng với tip 43 này, bạn đã có thể có một ý tưởng gì đó cho những tiết học tiếp theo của mình. Bạn sẽ dạy nhịp lấy đà như thế nào? Có ý tưởng gì bạn muốn chia sẽ cùng với tôi? Hãy để lại comment của bạn bên dưới bài viết này nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!