Sau khi thực hiện 5 buổi Kể chuyện âm nhạc online cho các bạn nhỏ. Mình có cơ hội được quan sát các bạn, học cùng các bạn, chơi cùng các bạn. Ca hát và nhảy múa cùng các bạn. Tất cả những khoảng thời gian đó đều rất có ý nghĩa với mình dưới góc độ là một nhà sư phạm âm nhạc, mình muốn dành thời gian để chiêm nghiệm, phân tích, đối chiếu và học hỏi. Từ đó rút ra được những kết luận cá nhân, nhằm củng cố cho phương pháp giảng dạy của cá nhân mình thêm trọn vẹn đầy đủ.
Bên cạnh những giá trị Kể chuyện âm nhạc có thể mang lại như nhiều người vẫn biết. Dưới đây là 3 điểm cực kỳ quan trọng với mình:
1. Cảm xúc tích cực thúc đẩy quá trình học tập phát triển
Với kể chuyện âm nhạc, trẻ được dẫn dắt vào những tình tiết đầy thú vị và sinh động cùng với âm thanh, âm nhạc và những bài hát. Hướng tiếp cận đặc biệt này đem đến cho trẻ những trải nghiệm cảm giác vô cùng phấn chấn về khía cạnh tâm lý lẫn thần kinh.
Vì thế mà kể chuyện âm nhạc đã tạo ra môi trường thoải mái “chơi mà học – học mà chơi” cho lứa tuổi nhỏ như các em ở độ tuổi tiền tiểu học và tiểu học. Điều này giúp các em dễ dàng tiếp cận những thông tin kiến thức âm nhạc một cách nhạc tính hơn, thân thiện hơn so với cách học qua lý thuyết ký hiệu thông thường.
Nhiệm vụ của giáo viên: Tạo môi trường tích cực, khuyến khích, cảm hứng trong quá trình kể chuyện. Ngay cả trong tâm thế và trong giọng nói của mình.
2. Phối hợp vận động tăng cường khả năng ghi nhớ và cảm giác âm nhạc
Não bộ trẻ em phát triển nhờ sự vận động. Thật vậy! Một câu chuyện âm nhạc được diễn biến cùng với những bài hát, giai điệu, âm thanh kết nối với sự vận động, hoá thân vào nhân vật giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ và hệ thống hoá các dữ liệu.
Các hoạt động hoá thân vào nhân vật trong quá trình nghe kể chuyện còn giúp trẻ tăng cường cảm giác về âm nhạc, nhịp điệu, tiết tấu. Khiến cho việc lắng nghe không chỉ đơn thuần là NGHE nhưng còn đi tới một bước xa hơn là CẢM bằng cả cơ thể.
Nhiệm vụ của giáo viên: Cung cấp các chất liệu âm nhạc phù hợp để trẻ được tiếp cận cách hữu hiệu nhất trong quá trình nghe kể chuyện và vận động. Đòi hỏi giáo viên phải nhuần nhuyễn và có khả năng làm chủ “âm nhạc”, đối với cả nhạc thu sẵn và nhạc chơi trực tiếp.
3. Phát triển EQ và giáo dục tính nhân văn trong mỗi đứa trẻ
Thông qua nghệ thuật và âm nhạc, cảm xúc trẻ em được kết nối với nhân vật một cách sâu sắc từ đó trong các em, nâng cao sự thấu hiểu và đồng cảm. Những câu chuyện về lòng tốt, tình yêu thương, sự vị tha, công lý cũng giúp các em nhận thức được giá trị của những hành động nhân ái.
Âm nhạc trong những câu chuyện âm nhạc góp một phần to lớn trong việc xây dựng, hình thành tính nhân văn trong mỗi em. Chú trọng đặc biệt với đối tượng lứa tuổi tiểu học, khi tâm sinh lý các em vẫn đang trong giai đoạn phát triển và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi môi trường, gia đình, bạn bè, xã hội…thì sự kết hợp giữa kể chuyện và âm nhạc sẽ là một cách tiếp cận hài hoà, nhẹ nhàng cho một mục tiêu cao cả hơn hết đó chính là: Giáo dục con người
Nhiệm vụ của giáo viên: Phát triển và sáng tạo những câu chuyện có tính nhân văn phù hợp lứa tuổi. Khơi gợi cho học sinh cảm hứng đến những cái kết sáng tạo, tích cực, nhân văn.
~ Một số câu chuyện âm nhạc hay có thể tìm trên YouTube (tiếng anh) ~
The Bear and The Piano
Never plays Music right next to the Zoo
Drum Dream Girl

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.