Làm thế nào để kết hợp khởi động và cảm thụ âm nhạc trong giảng dạy Piano?

               Ngoài là giáo viên dạy âm nhạc ra, tôi từng là trợ giảng cho môn Kịch ở khối Tiểu Học tại một trường Quốc Tế. Giáo viên tôi làm việc cùng cứ mỗi tiết học ông ấy đều cho học sinh chơi một trò chơi warm – up khoảng 10 phút đầu giờ. Những trò chơi này, có lúc thì liên quan đến việc diễn xuất, có lúc thì lại hơi ngớ ngẩn.  Tôi đã từng băn khoăn không hiểu sao ông phải làm như thế, bởi dĩ các hoạt động này tốn một khoảng thời gian đáng kể, và với tôi thực sự lúc ấy nó không mang ý nghĩa gì…
Mãi đến sau này, tôi mới nhận ra những học sinh khi được chơi một vài trò chơi warm – up đầu giờ sẽ bắt đầu buổi học với thái độ vui vẻ, thoải mái và thậm chí thân thiện hơn là những lớp không có thời gian khởi động này.  Việc giảng dạy kiến thức mới từ đó của giáo viên cũng dễ dàng và không khí học tập cũng dễ dàng hơn.

Vấn đề chung…

               Phần lớn các bạn nhỏ đều đến với việc học Piano như là một sự bắt ép. Có rất nhiều học viên bắt đầu tiết học bằng tâm trạng mệt mỏi, chán chường.  Đôi khi vì một ngày dài ở trường, hoặc đôi khi vì tự nhiên thấy chán, không thích.  Hoặc lý do nhiều nhất là bài tập khó khăn. Có nhiều em lại chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho buổi học nên khi giáo viên đến nhà dạy nhưng vẫn muốn xem tivi, chơi đồ chơi, khiến cho giáo viên cũng cảm thấy không vui khi gặp tình huống như thế. Nhưng việc khởi động tinh thần này sẽ giải quyết hầu hết những trường hợp như vậy, giống như một nguồn điện sốc tinh thần, giúp các em dễ dàng đi vào bài học và cảm thấy tiết học vui vẻ, thoải mái hơn, giáo viên cũng dễ chịu và phấn chấn hơn cho việc giảng dạy của mình,

Khởi động đầu giờ còn hiệu quả đối với những em có tính cách rụt tè, ngại giao tiếp với người chưa quen.  Đặc biệt đối với những học viên mới, những trò chơi khởi động đầu giờ sẽ khiến các em cởi mở và thân thiện với chúng ta hơn.

Cho những sự tác động…

Trước tiên hãy xem một vài lý do vì sao chúng ta nên khởi động cho học viên:

  • Giúp lấy sự chú ý từ học viên.
  • Giúp tinh thần học viên thoải mái, vui vẻ.
  • Giúp tâm lý học sinh ổn định, thả lỏng.
  • Giúp tiết học bắt đầu hiệu quả.

Khởi động được tôi chia làm hai loại theo lứa tuổi: Tinh thần và Thể chất

1. TINH THẦN (tuổi: 4 => 7)
Maxis đang chăm chú vẽ hình một con vật trên bàn học, đã đến tiết học Piano, Maxis có vẻ như vẫn chưa muốn rời xa cuốn tập vẽ của mình. Tôi tiến đến cây đàn Piano, ngồi lên chiếc ghế, đánh đung đưa một vài tiết tấu vui nhộn với hai hợp âm C và G7. Tôi cất giọng :
– Maxis, are you happy today ?
– Yes… (vẫn hí hoáy tô vẽ…)
– Maxis, are you really happy….?
Và lúc này tôi vừa hát vừa đệm bài “If you happy and you know …” đây là một bài hát khá quen thuộc với học sinh tiểu học và cũng không ngoài Maxis.  Cứ như vậy, giai điệu vui vẻ khiến cậu nhóc rời khỏi bàn, nhảy múa, làm động tác theo bài hát tôi đang hát.  Sự đáng yêu của cậu và giai điệu vui nhộn cùng với những cử động đơn giản ngộ nghĩnh đã làm cho chúng tôi cùng nhau tạo nên một không gian thật dễ chịu, phấn khích, sẵn sằng cho tiết học hôm ấy.

1.1 Biến thể của hoạt động Hát và Làm động tác “If you happy and you know it”

Đây là một vài cách biến thể từ hoạt động này:

  • Hát và Làm động của bài hát từ tông thấp lên cao (đối với “If you happy and you know it” tôi sẽ chơi từ Đô Trưởng tăng dần tông lên Sol Trưởng)
  • Thay vào những chỗ có vỗ tay là một hành động khác (vd: tap your head, tap your bell, kiss my cheeks, say happy, say do re mi…)
  • Thay vào những chỗ có vỗ tay là việc yêu cầu trẻ chơi một vài nốt trên phím đàn cùng với bạn (vd: If-you-are-happy-and-you-know-it_F_singing-bell (1)Bài hát đang được viết ở giọng Fa Trưởng, ở những chỗ giai điệu ngừng lại, bạn có thể yêu cầu trẻ chơi các nốt tương ứng với hợp âm ô nhịp đó.  Trong ví dụ này là ô nhịp 3, 5, 7)

Nếu không tự tin ở khả năng đệm đàn của mình, bạn có thể bật video từ Youtube và nhảy múa cùng với học sinh của mình, còn gì vui hơn như thế… ;-), bạn có thể hỏi Wifi từ nhà bạn dạy hoặc có thể download sẵn về điện thoại.  Dưới đây tôi xin dẫn ra một vài video đơn giản và chất lượng mà bạn có thể sử dụng, chúng khá là hiệu quả đấy.

https://www.youtube.com/watch?v=nUeS6gabSkE

https://www.youtube.com/watch?v=2hM8CMUYxuw

1.2 Bạn có thể xem thêm hoạt động theo bài hát “Một ngón tay nhúc nhích” theo đường link này : Một ngón tay nhúc nhích

2.  THỂ CHẤT (8 => 12 tuổi) 

        Đối với độ tuổi này, có lẽ việc yêu cầu vừa hát vừa làm động tác sẽ có gì đó khiến các bé cảm thấy mình hơi ngớ ngẩn và cũng không có nhiều bài hát dành cho lứa tuổi này phù hợp với việc khởi động đầu giờ.  Vì vậy, tôi áp dụng các hình thức khởi động về mặt vật lý.  

Khởi động vật lý là tên gọi chung của hình thức khởi động tay chân, cơ thể và hơi thở nói chung.  Nó cũng giống như việc khởi động trước khi tập luyện thể thao. Sự căng giãn các cơ ngón tay, mềm dẻo của các khớp ngón, uyển chuyển của cổ tay, lưng và cổ được giữ thẳng theo một vị trí chuẩn xác, những yếu tố đó đều được sử dụng trong buổi học, vì thế khởi động vật lý đầu giờ là điều thực sự cần thiết để chuẩn bị cho các bước tập luyện kỹ thuật sau đó. 

Dưới đây là 2 video theo tôi nghĩ thể hiện khá đúng những gì khởi động vật lý được mô tả.  Các bài tập đơn giản nghiêng về thể chất sẽ giúp học viên của bạn sẵn sàng cho buổi học, những bài tập này còn có thể áp dụng trước buổi biểu diễn nếu như không có một cây đàn Piano để tập luyện trước vài phút.

 Khởi động bàn tay:   https://www.youtube.com/watch?v=e28xk4YnUAA

Khởi động vai, cánh tay: https://www.youtube.com/watch?v=zYLHJqnzpxU

Những bài tập ngắn này sẽ giúp cơ thể của học viên bạn nóng lên và tinh thần của chúng sẵn sàng với một buổi học kéo dài 45 phút.

Ngoài ra, bài khởi động 5 phút luyện trí nhớ  đã được chia sẻ trong đây cũng khá thú vị để thực hiện cho những phút  mới bắt đầu một buổi học.  Chỉ cần vài phút rất ngắn, giáo viên có thể nhanh chóng ổn định độ tập trung cho học sinh cao hơn, bên cạnh đó còn giúp học sinh luyện tập khả năng ghi nhớ của mình. 

Có thể bạn cũng không muốn bỏ lỡ bài bài khởi động bốn tay dành cho học sinh và giáo viên đã nhận được 27 lượt yêu thích trên trang blog.   Đây cũng là một trong những bài luyện ngón tôi thường hay sử dụng nhiều nhất trong các buổi dạy Piano cho học viên lứa tuổi tiểu học.  Hãy thử xem!  Có thể bạn cũng sẽ thích. 

           Mong rằng qua những chia sẻ trên, các bạn đồng nghiệp có thể cũng đã tìm được một số ý tưởng hữu dụng và thú vị cho những buổi học vui vẻ của mình trong tương lai.  Chúc cho tất cả chúng ta đều sẽ có những tiết học nhạc thật sôi động mà vẫn thật hiệu quả! 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!