22.09.2020
Đi càng xa bao nhiêu, mình càng nhận ra trong đời người chỉ có một đến hai thứ thực sự quan trọng và có ý nghĩa.
Sáng nay mình dành thời gian để tập đàn và luyện tập eurythmics. Những thôi thúc từ sâu thẳm bám chặt lấy ruột gan và không để yên cho đến khi nào mình thật sự bắt đầu ngồi xuống tập luyện. Mình đoán đó chính là động lực bên trong.
Cách đây hai tuần, buổi học của cô Kim và mình diễn ra đơn giản và nhanh chóng. Phần lớn thời gian chúng mình nói chuyện về buổi biểu diễn Piano ở nhà sách vào thứ năm tuần sau đó. Các mẩu hội thoại trôi đi rất nhanh theo dòng thời gian và cho đến sáng hôm nay, dường như chỉ còn những ký ức thật sự sâu sắc còn đọng lại.
Tiết học hôm đó, chúng mình đã học cách cảm nhận và thể hiện các sự phân chia từ bình thường cho đến bất thường. Đột nhiên mình nhớ đến một câu nói của Einstein:
“Tôi không bao giờ chỉ dạy các học sinh của mình điều gì, tôi chỉ tạo cho chúng những điều kiện để chúng có thể học tập từ đó.”
Điều này vô cùng đúng với Eurhythmics (hoặc có lẽ đúng với tất cả các môn học khác). Vì đơn giản, khi cô Kim ứng tấu những đoạn nhạc, cơ thể mình phải khám phá và tập luyện những cách để plastique âm nhạc ra ngoài thành hình thù, đó chính là quá trình mình học. Cô Kim chỉ gợi ý, đưa ra những ví dụ, minh hoạ, tưởng tượng hoặc nhiều hơn là chơi những câu nhạc với những tiết tấu được phân chia. Phần lớn công việc là bản thân mình phải “làm việc”. Thực sự “làm việc” để chiếm hữu được kỹ năng đó cho mình.
Triết lý dạy học như thế này có thể không phù hợp với một nền xã hội công nghiệp phát triển nhanh như ngày nay. Khi mà mọi người làm gì đều muốn được thấy kết quả ngay, được khoe thành quả ngay lập tức trên các trang mạng xã hội. Mạng xã hội có thể làm người ta sung sướng hạnh phúc, song cũng làm người ta mệt mỏi gánh nặng vì áp lực khi cứ phải nhìn thấy ánh hào quang của người khác.
– Bao lâu thì cô mới có chứng chỉ giảng dạy phương pháp Dalcroze ạ?
– Tôi nhớ mình bắt đầu học về Dalcroze vào năm 2007 và được chấp nhận cấp phép giảng dạy hình như cách đây 3 năm, 2017. Đó là thời điểm ngay trước khi tôi quay về Hàn Quốc.
– Nó kéo dài cả một thập niên cô ạ! Sao lâu vậy ạ?
– Vì đối với Dalcroze, họ yêu cầu tôi phải trải nghiệm trước. Nghĩa là bản thân tôi phải biết và làm được Eurhythmics. Sau đó thì ứng dụng vào giảng dạy âm nhạc. Một năm trời tôi quay phim lại các tiết dạy của mình và tự xem lại, ghi chép lại từ những buổi học đó. Sau bốn năm, tôi mới dám gửi video cho họ, và khi họ thấy cách phương pháp được ứng dụng đạt yêu cầu, họ mới cấp giấy phép cho tôi.
Đó là một sự theo đuổi vô cùng sâu sắc và nghiêm túc. Như thế, mình có thể hiểu rằng, chẳng có điều gì phải vội khi thật sự muốn hướng đến một lý tưởng cao cả. Việc học cũng như thế, khi người thầy thả lỏng và không thúc ép bản thân, để cho người học được trải nghiệm và học tập dựa trên những trải nghiệm, sự học sẽ trở thành một quá trình khám phá vô cùng thú vị và hữu ích.
Như vậy là cô Kim bắt đầu chơi những câu nhạc với sự phân chia là 1, 2, 3, 4 rồi 5, và mình phải diễn ra được những sự phân chia này thông qua sự di chuyển của thể. Có thể nói khi mô hình hoá những sự phân chia này thành các ký hiệu, có thể gọi chúng dưới hình dạng như sau:
Ở các hình thái chia chẵn như 1, 2, 4 thì khá đơn giản vì đã rất quen thuộc trong các tác phẩm nhạc Piano hiện đại. Tuy nhiên, ở hình thái chia lẻ như 3 và 5, mình cần bắt đầu làm quen với sự cảm nhận và vận động một cách khác biệt. Càng đặc biệt hơn với Eurythmics, khi tâm trí mình càng căng thẳng bao nhiêu, cơ thể mình lại co cứng và máy móc bấy nhiêu.
Sau một vài phút cơ thể bắt đầu cảm nhận được tất cả những sự phân chia khác biệt đó và chuyển động rất nhịp nhàng, hài hoà theo âm nhạc của cô. Tiếp đến, cô Kim muốn mình sắp xếp thứ tự của các sự phân chia này theo một cách ngẫu nhiên rồi ghi nhớ chúng và diễn chúng ra. Để ghi nhớ được cái dãy số này là một thử thách không nhỏ. Tuy vậy, mình nhận ra, việc ghi nhớ dãy số còn phải được kết hợp với việc ghi nhớ chuyển động của cơ thể với các thứ tự này thì mới phát huy hết tác dụng.
Tập luyện qua cơ thể xong, mình phải tập luyện cho việc chơi ứng tấu trên đàn Piano với các hình thái phân chia. Mình thích ứng tấu, thật sự vô cùng yêu nó. Và có lẽ như, mình được sinh ra để học môn Eurythmics này. Mặc dù tâm trí không thể nghĩ nhiều đến các hợp âm và đầu óc mình thì không thể tập trung để kịp tư duy những vòng hoà âm nào là đẹp, nào là đúng. Nhưng đôi tai mình thì hoàn toàn khác. Chúa ban cho mình một đôi tai vô cùng nhạy cảm với hoà âm, dù thật lòng mà nói, mình chẳng hề giỏi môn hoà âm này một chút nào.
Sau một vài phút ngồi xuống đàn và tập luyện, mình nhận ra, nhờ có bước cảm nhận các hình thái phân chia qua cơ thể, mà mình có thể chộp bắt nhanh chóng những dạng tiết tấu khác biệt nhau và diễn chúng ra trên các phím đàn. Ứng tấu bổ sung cho vận động, vận động hỗ trợ cho ứng tấu. Cả hai điều này đều giúp mình có thể thăng hoa trong chơi nhạc và dạy nhạc.
Đi càng xa bao nhiêu, mình càng nhận ra trong đời người chỉ có một đến hai thứ thực sự quan trọng và có ý nghĩa.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.