Hiện nay, tại đa số các lớp Cảm Thụ Âm Nhạc ở Việt Nam rất dễ nhìn thấy những hình ảnh sinh động của học sinh và cả giáo viên chuyển động cùng với âm nhạc. Vì thế đối tượng của bộ môn này thường được cho rằng chỉ dành học sinh dưới cấp tiểu học trở xuống. Nhưng sự thật thì có phải Cảm Thụ Âm Nhạc chỉ là nhảy múa và chuyển động?
Cách đây không lâu, tôi đã đọc được một bài viết có nội dung chỉ trích về bộ môn này với nhiều quan điểm rất cạn cợt. Tiếc là tôi không kịp lưu lại để làm tư liệu phản biện sau này. Trong bài viết, tác giả cho rằng những gì được gọi là Cảm Thụ Âm Nhạc thực chất là chủ yếu để câu giờ và làm tiền phụ huynh là chính. Sự thật là với những gì đang diễn ra tại hầu hết các lớp Cảm Thụ Âm Nhạc hiện nay thì tác giả bài viết có sự nhận định như vậy cũng không phải là lạ.
Tuy nhiên, mặc kệ những nghi ngờ từ dư luận, bộ môn Cảm Thụ Âm Nhạc đã được phát triển rất nhanh chóng trong gần mười năm qua. Vì sao khi chưa có một sự công nhận hợp pháp từ những cơ sở giáo dục âm nhạc chính quy nhưng các lớp Cảm Thụ Âm Nhạc dành cho trẻ em và cả giáo viên vẫn được tiếp tục khai giảng và thu hút hàng trăm lượt đăng ký? Là vì nó đã thật sự hiệu quả.
1. Chuyển động
Tôi rất thích khi có thể ứng dụng những gì mình đã được học về Cảm Thụ Âm Nhạc Chuyển Động vào Múa Sáng Tạo. Thông qua những sự chuyển động, tôi cảm thấy mình yêu âm nhạc nhiều hơn, tạo ra âm thanh bằng giọng hát khiến tôi nhận thức về mình và biết điều chỉnh chính mình để phù hợp với âm nhạc. Những điều này chưa bao giờ được dạy ở các trường Nhạc chính quy vì đa số giáo viên đều nghĩ rằng học chơi nhạc chỉ là nhìn vào bản nhạc và diễn được chính xác những gì viết sẵn ở đó.
Ẩn dưới lớp áo của các chuyển động cơ thể là sự phản hồi của tri giác khi người học được tiếp nhận âm nhạc đến với họ. Bên cạnh đó, đôi tai là công cụ hữu hiệu nhất để người học hiểu rằng mình đang cần gì và mong muốn gì. Vậy nên, trong quá trình giảng dạy, lắng nghe chính là kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất phải được đào tạo.
Thật vậy, quy trình Cảm Thụ được xuất điểm từ bước thu nhận âm thanh. Tiếp thu luồn âm thanh với nhận thức, sau đó tổ chức và lựa chọn biểu hiện hành động phù hợp. Vậy nên, nếu người học chỉ cảm nhận âm thanh nhưng không kết hợp lắng nghe nhận thức thì cũng giống như việc họ chỉ đang biểu diễn hành động một cách bản năng mà không hề có tư duy.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, cơ thể càng có sự hoạt động thì con người càng nắm bắt và ghi nhớ một khái niệm dễ dàng hơn. Hiệu quả của quá trình này được lưu ý trên tất cả các lứa tuổi. Đặc biệt trong các tiết Cảm Thụ Âm Nhạc Chuyển Động, các hoạt động âm nhạc này còn mang ý nghĩa về mặt âm nhạc sâu sắc chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở mục tiêu nhằm kích thích sự ghi nhớ cho học viên. Chuyển động trong Cảm Thụ Âm Nhạc hoàn toàn khác với bộ môn múa hình thể. Điểm đến đỉnh cao nhất của múa là trình diễn hình thể với âm nhạc hoặc không với âm nhạc. Trong khi mục tiêu cuối cùng của Cảm Thụ Âm Nhạc Chuyển Động lại là sự thấu hiểu về âm nhạc và thể hiện ra ngoài bằng nhạc cụ.
Nhưng tại sao nhịp điệu lại được dạy đầu tiên hết trong những tiết Cảm Thụ Âm Nhạc? Vì đó là khái niệm mang tính âm nhạc căn bản nhất và tối thiểu nhất gắn với bản năng của con người. Nhịp điệu tồn tại trong cuộc sống hằng ngày. Nó ở đó khi chúng ta bước đi, khi chúng ta đánh răng vào mỗi buổi sáng, khi chúng ta vẫy tay chào tạm biệt một người bạn, ngay cả khi chúng ta nằm trên giường ngủ… Nếu chú tâm lắng nghe các chuyển động của tự nhiên, sẽ nhận ra mọi thứ xung quanh đều có một nhịp điệu riêng.
Nhịp điệu cũng là một chủ đề đầy thử thách cho người trưởng thành khi chưa được rèn luyện từ lúc tuổi nhỏ. Có thể nhìn thấy rất nhiều người học chơi nhạc không giữ được nhịp vì những ngày đầu đến với âm nhạc họ bị thiếu hụt mất sự xây dựng về cảm giác âm nhạc từ bên trong. Chỉ một số ít có năng khiếu thiên bẩm thì sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi bắt nhịp vào một bản nhạc.
Với lý do đó, Cảm Thụ Âm Nhạc Chuyển Động giúp giải quyết các vấn đề về học chơi nhạc không chỉ cho trẻ em mà còn cho người trưởng thành và cho cả các học viên đã học chơi nhạc lâu năm. Chúng ta dùng cơ thể để cảm nhận âm nhạc và hiểu về âm nhạc nhiều hơn thông qua cơ thể. Đó mới thật sự là mục đích. Còn Cảm Thụ Âm Nhạc Chuyển Động, đó chưa bao giờ là một môn nghệ thuật trình diễn của cơ thể.
2. Giọng hát
Con người biết hát ngay cả trước khi biết nói. Sự thật thú vị này mang đến một niềm tin chắc chắn rằng, ca hát là một hoạt động vô cùng bản năng và nó gắn liền với chúng ta từ những năm tháng ấu thơ cho đến suốt cuộc đời.
Thật vậy, chính giọng hát là một nhạc cụ đặc biệt nhất mà mỗi người đều có thể sở hữu. Nếu như thế giới âm nhạc chỉ gói gọn trong khoảng 1,500 món nhạc cụ thì giọng hát của mỗi người chúng ta đều là một nhạc cụ mang âm sắc riêng biệt.
Giọng hát trong Cảm Thụ Âm Nhạc có thể được xem như một nhạc cụ có thể hoà tấu cùng với các “nhạc cụ” khác để cùng tạo ra âm nhạc. Giọng hát còn có thể được dùng để tạo ra những nét nhạc ngẫu hứng. Người học có thể “nhận thức” được một nét nhạc đang lơ lửng ngoài kia hay đã về chỉ bằng việc thay đổi cao độ của nốt nhạc cuối cùng. Có thể nói, với giọng hát, chúng ta đã bước đầu “biểu diễn” âm nhạc ra ngoài thế giới thực sau khi đã cảm nhận với cơ thể.
Tại sao kỹ năng Nói lại đến ngay sau kỹ năng Nghe trong việc học một ngôn ngữ mới? Vì đó là bước đầu tiên để chúng ta có thể tập luyện điều chỉnh bản thân mình trong việc phát ra một thông tin ngôn ngữ.
Cũng như vậy, khi Hát gắn liền với nhận thức, người học sẽ luyện tập điều tiết chính họ để những gì phát ra bằng giọng nói của họ có thể đạt được một mục đích cụ thể. Hát để diễn tả nét âm thanh đi lên cao, hát để diễn tả âm thanh liền mạch, hát để diễn tả một câu kết ở âm chủ, hát để hoà thanh với người khác, hát để trình bày tiết tấu nốt đen, hát để trình bày nhịp 3/4, vv…vv…Với phương pháp Cảm Thụ Âm Nhạc Dalcroze, người học sẽ phải biết dùng chính âm thanh của mình để sáng tạo âm nhạc. Và những hoạt động này thật sự nuôi dưỡng tính cảm thụ âm nhạc nơi người học, biến hoá họ trở thành những người thấu hiểu âm nhạc một cách vô cùng “nhạc tính” chứ không còn là đọc hiểu những ký hiệu.
Tôi quan sát thấy rằng khi các học sinh của mình có thể hát đúng cao độ là khi đôi tai thẩm âm của các bạn đã thực sự phát triển. Điều này cần được rèn luyện một quãng thời gian rất dài cùng với nhiều hoạt động và trò chơi âm nhạc trong một tiết học Cảm Thụ Âm Nhạc Chuyển Động cùng với các giáo viên có kinh nghiệm.
Với những giá trị tuyệt vời đó, Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động thật sự là một môn học dành cho mọi lứa tuổi với mọi cấp độ học nhạc từ cơ bản cho đến chuyên sâu. Tuy nhiên, với mỗi người học, giáo viên sẽ cần có những cách tiếp cận khác nhau sao cho khéo léo và phù hợp. Và để tránh cho người học nhìn nhận Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động như là một môn học chỉ tập trung vào biểu diễn hình thể, múa may quay cuồng vô định, quơ tay quơ chân lung tung…giáo viên phải thật nhạy cảm và nương theo sự phát triển của học sinh để có thể đưa ra cách làm thật hiệu quả. Cốt lõi của mọi hoạt động phương pháp Cảm Thụ Âm Nhạc chỉ có thể tóm gọn lại là: Giúp học sinh hiểu âm nhạc nhiều hơn và cảm thấy yêu thích âm nhạc nhiều hơn.
Seoul 02.05.2022
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.