Một trưa hè trời Sài Gòn nắng đổ lửa, vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất được độ vài tiếng, tôi đã nghĩ phải đi thăm các bạn học sinh yêu dấu của mình trong ngay buổi chiều hôm đó.
Ngày mới chuyển đến Seoul, thời tiết chuyển mình từ đông sang xuân hơi lành lạnh. Buổi tối nằm thao thức vì khó ngủ vậy mà trong những cơn mơ, những khuôn mặt thân yêu ấy lại hiện ra với tôi rõ rệt, hệt như mới ngày hôm qua tôi vẫn còn đứng trước mặt chúng và thao thao đủ thứ tuyệt vời về âm nhạc.
Thật khó để quên được những gì chúng tôi đã trải qua cùng nhau. Đặc biệt là các bạn lớp một. Từng ánh mắt, mái tóc, dáng dấp, những sinh vật bé nhỏ ấy đáng yêu đến mức kỳ lạ.
Tôi chăm lo cho giáo án âm nhạc lớp một kỹ lưỡng hơn cả da mặt của mình. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình làm điều gì đó trong đời mà hết tâm hết máu như vậy. Đặc biệt, một trong những cái làm tôi lo lắng nhất trong quãng thời gian đó, là: “Làm thế nào để dạy đàn Organ cho cả hai mươi đứa trẻ sáu tuổi trong vòng ba mươi lăm phút?” 20 – 6 – 35, dãy số đơn giản này đã từng tạo sóng gió cho khoảng thời gian đầu sự nghiệp giảng dạy của tôi.
Nếu như ngồi viết lại tất cả phương pháp mình đã làm như thế nào, có lẽ phải dành một quãng thời gian đặc biệt để có thể suy nghĩ và thực hiện. Bởi vì, theo những gì tôi thấy cách mình đã đổ máu, đó là một công trình hoành tráng chứ không đơn giản chỉ là làm theo các cách. Thay vì vậy, trong bài viết này, nó là một trong hàng chục mắt xích quan trọng đã được tôi áp dụng và tương đối khá thành công trong những tiết học.
Chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết câu chuyện “Mài chiếc rìu cùn” được kể bởi cố tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ – Abraham Lincoln. Nội dung câu chuyện là về một anh tiều phu làm việc rất chăm chỉ, anh cứ đinh ninh gỗ mình đem về cho ông chủ ngày càng nhiều hơn so với ngày đầu tiên. Cho đến một ngày kia, khi anh đếm lại, con số chẳng hề tăng lên dù anh có làm nhiều giờ hơn đi nữa. Anh đem vấn đề của mình thuật lại cho người chủ, ông ta hỏi, “Lần cuối cùng anh mài rìu là khi nào?”, anh tiều phu ngạc nhiên, “Mài rìu à? Tôi chặt gỗ không hết làm gì có thời gian mà mài rìu?” Nghe đến đây chắc các bạn đều đã hiểu. “Muốn chặt cây trong một giờ, phải dành ba giờ để mài rìu”. Yếu tố này quan trọng trong mọi việc chúng ta làm, chúng ta học, và ngay cả trong việc chúng ta hướng dẫn học sinh tập đàn.
Phương pháp warm-up “Chú nhện tàng hình” dưới đây được sử dụng để khởi động và làm nóng cho một tiết học đàn Organ theo nhóm từ 5 đến 20 trẻ đội tuổi 4 đến 6 tuổi.
Cách thực hiện:
Bước 1: Cho trẻ ngồi chung quanh hình vòng tròn
Bước 2: GV “yêu cầu” trẻ thực hiện theo mình: Đặt bàn tay xuống đất, khum mu bàn tay lại như hình một con nhện.
Bước 3: GV đọc các mệnh lệnh và đồng thời làm giống như vậy cho trẻ làm theo. Vd: Con nhện bò sang phải (các ngón tay di như các chân nhện đi qua phải), con nhện bò lên đùi, con nhện bò lên vai, con nhện bò lên đầu, con nhện nhảy xuống đất – oạch, vv…vv… (phần này cần sự hài hước và nhanh lẹ)
Bước 4: GV đặt “con nhện” vị trí ban đầu và bắt đầu đọc các nốt nhạc đồng thời cử động các ngón tay giống như các thứ tự nốt nhạc, sau khi trẻ nghe xong sẽ đọc và thực hiện lại giống như vậy. VD: Do Re Mi Fa Sol Sol, Sol Fa Mi Re Do Do, Do Re Mi Re Do Sol, Do Re Mi Re Do Mi Do, vv….vv…. (các nốt nhạc cần đi chung với tiết tấu để tạo sự tự nhiên cho âm nhạc)
Bước 5: Sau khi cho tập thể thực hiện xong, GV kiểm tra từng cá nhân bằng cách thực hiện lại bước bốn một lần nữa nhưng chỉ có GV với một trẻ. (Trẻ nào thực hiện tương đối tốt, GV có thể cho trẻ lên đàn ngồi)
Với một trò chơi warm-up khá đơn giản như “Chú nhện tàng hình”, GV có thể vừa kiểm tra khả năng của mỗi trẻ cũng như ôn lại vị trí các ngón tay, năm nốt nhạc và bên cạnh đó là tạo một không khí vui vẻ, sôi động cho các tiết học đàn Organ, Piano. Hy vọng với chia sẻ này, các bạn đồng nghiệp cũng có thể thử áp dụng trong các tiết dạy nhạc cụ của mình.
Chúc cho mọi người sẽ có một mùa hè thật năng động và những tiết dạy thật nhiều niềm vui.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Cám ơn bạn vì những chia sẻ rất hữu ích đối với mình lúc này, mình cũng đang tìm kiếm phương pháp dạy cho hs tiểu học mấy tuần nay và thật may khi xem được bài viết của bạn. Mình cũng sắp dạy nhạc cho hs tiểu học và thêm môn organ cho các bé nữa. Mình muốn lồng ghép nhiều hoạt động như của bạn chia sẻ vào tiết học để hs có hứng thú hơn và mình cũng đang tìm thêm những bài hát tiếng anh cho các hoạt động vỗ tiết tấu bằng hình thể. Nếu bạn biết thêm những bài hát khác thì giới thiệu mình với nhé. Thật sự mình rất vui vì đã đọc được bài viết. Cám ơn bạn rất rất nhiều.